Chàng trai người Mường về quê chăn gà, thả lợn

Thành Dân - Hoàng Sa 07/01/2023 14:00

Bỏ việc làm ở nước ngoài, nam thanh niên người Mường về quê nuôi gà mía, lợn rừng, thu về gần 500 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sau nhiều năm tháng bươn trải, tìm việc làm thuê khắp nơi nhưng cuộc sống cũng không nhiều thay đổi về mặt kinh tế, anh Bùi Văn Luân (38 tuổi, người dân tộc Mường) trú tại xóm Láu Ráy, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình đã suy nghĩ và trăn trở để rồi quyết định về quê, làm giàu trên chính mảnh đất nơi mình được sinh ra.

Tại địa phương, gia đình anh được đánh giá là một trong những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, tấm gương làm giàu nhờ chăn nuôi kinh tế hộ gia đình nhờ nuôi gà Mía thả vườn.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường anh Luân đã dần tăng đàn, tăng quy mô.

Dáng người rắn chắc cùng gương mặt chất phác, anh Luân “khoe” gia đình mình vừa xuất bán lứa gà Mía gần 1.000 con và hơn 10 con lợn rừng, thu về trên 100 triệu đồng.

Anh Luân kể, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đi làm thuê khắp nơi như Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa nhưng thu nhập đều bấp bênh. Năm 2010, anh đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, ở nơi đất khách xứ người, công việc vô cùng vất vả, anh Luân trăn trở tại sao không thể làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương mình, nơi có nhiều điện kiện phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả?

Nghĩ là làm, năm 2014, anh bỏ việc ở Hàn Quốc dù vẫn được kí hợp đồng lao động tiếp tục, quyết định trở về quê nhà Hòa Bình để lập nghiệp, bắt đầu từ việc nuôi lợn rừng. Tuy nhiên gặp thất bại liên tục do giá lợn bấp bênh, lại nhiều bệnh khiến anh vô cùng chán nản.

Cuối năm 2016, trong lần tình cờ về Ba Vì thăm bạn bè, thấy người dân nơi đây nuôi gà Mía thả vườn kết hợp mô hình vườn, ao, chuồng rất phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh liền đặt mua hơn 500 con giống về nuôi thử.

Sau gần 1 năm, thấy đàn gà hợp với điều kiện khí hậu tại vùng, ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán lại cao, nên anh quyết định mở rộng quy mô, tăng đàn lên 3.000 con, thả ở khu đồi rộng 3 ha của gia đình, kết hợp đào ao thả cá, xây chuồng nuôi lợn rừng.

“Tôi tận dụng đồi bưởi và cam sau nhà để thả gà, như vậy gà sẽ có bóng mát, hơn nữa gà sống dưới cây sẽ mổ cỏ luôn xung quanh gốc, một công đôi việc nên hiệu quả cao, trung bình thu nhập từ bưởi, cam và gà năm nào cũng đạt trên 300 triệu đồng, chưa kể lợn rừng, ao cá”, anh Luân chia sẻ.

Còn chị Bùi Thị Châm (32 tuổi, vợ anh Luân) tâm sự: “Khi gà hơn 25 ngày tuổi nên cho ăn thức ăn hỗn hợp, đến 40 ngày tuổi thì chuyển sang cho ăn ngô xay, ngô hạt, rau xanh. Như vậy gà sẽ có chất lượng thịt thơm ngon, đạt trọng lượng tối đa từ 1,8 – 2,5 kg/con”.

Theo chị Châm, để gà ít bệnh nhà tôi thường xuyên rắc vôi bột quanh chuồng, rải vỏ chấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân, bảo đảm cho việc dọn dẹp vệ sinh.

Khi phân gà bám vào vỏ chấu lúc quét dọn đảm bảo sạch sẽ hơn. Sau đó, tận dụng phân gà bón cho vườn cây ăn quả quanh nhà. Hiện trang trại nhà tôi đang có 2 lao động thường xuyên, với hơn 10 lao động thời vụ là bà con quanh vùng với mức lương trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Đển nay, sản phẩm gà Mía, lợn rừng của gia đình anh Luân đều được khách hàng gần xa biết đến. Nhiều thương lái vào tận trang trại mua nhưng không đủ gà bán, nhất là vào thời điểm cận Tết Nguyên đán hiện tại.

Trung bình 1 kg gà Mía có giá dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, dịp Tết này có thể lên tới 150.000 đồng/kg. Với gần 2.000 con gà, hơn 50 con lợn rừng cùng vườn cam, bưởi. Mỗi năm gia đình anh Luân thu không dưới 500 triệu đồng.

Hộ gia đình anh Luân được đánh giá là tấm gương tiêu biểu vươn lên làm giàu

Ông Bùi Hồng Đăng, Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Sơn cho rằng, mô hình nuôi gà mía thả vườn của anh Bùi Văn Luân rất đáng để nhân rộng đến với các hội viên khác. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Luân rất tích cực tìm tòi, đổi mới tư duy trong chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến các hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp bà con thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại địa phương” – ông Đăng cho hay.

Ông Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, Bùi Văn Luân là thanh niên tiêu biểu, có kiến thức, kinh nghiệm… nhờ phát triển mô hình nuôi gà Mía đã vươn lên làm giàu, tích cực giúp đỡ bà con trong bản, tạo việc làm cho lao động địa phương nên ai nấy đều quý mến. Góp phần vào sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Thành Dân - Hoàng Sa