Chuyên gia hiến kế nhổ cọc bê tông nặng 20 tấn

B.Phúc (tổng hợp) 07/01/2023 14:11

Lực lượng cứu hộ đề nghị đưa thêm cần cẩu loại lớn vào hiện trường đẩy nhanh phương án kéo cọc bê tông nặng 20 tấn, sâu 35 m lên, sau khi phương án được chốt.

Thiết bị giúp nhổ cọc bê tông được đưa vào hiện trường. Ảnh: Ngọc Tài. Nguồn: Vnexpress.

Theo Vnexpress, thông tin đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Đồng Tháp với hai Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải về phương án nhổ cọc bê tông ở dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình - nơi bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị mắc kẹt, sáng 7/1. Đến nay, công tác cứu hộ ở hiện trường bước sang ngày thứ 8 nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Sau quá trình phản biện, giải quyết những rủi ro, tỉnh đã thống nhất phương án nhổ cọc qua 11 bước do hai đơn vị thi công cầu đường uy tín của Việt Nam tiến hành. Cụ thể, công đoạn nhổ cọc có thêm hai ống vách đường kính 2 m và 1 m đóng xuống bao bọc cọc bê tông đến độ sâu 35 m, tức phải khoan thêm 20 m đất so với phương án gần nhất. Đất xung quanh lồng vách được làm mềm và hút ra bên ngoài.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, cho biết phương án mới được thống nhất khi tối ưu về ba phương diện thời gian, an toàn và tận dụng thiết bị tại chỗ. "Các thiết bị mới đang vận chuyển đến công trường và sớm thực hiện các bước trong chiều nay", ông Bảo nói và cho biết cần thêm một cẩu 80 tấn hoặc ít nhất 50 tấn bổ sung vào công trường khi hiện tại có hai cẩu 50 tấn và 35 tấn.

Trước đó, một cẩu trọng tải khoảng 120 tấn được đề nghị đưa vào hiện trường, song lòng sông nhỏ tàu không vào được. Theo doanh nghiệp sản xuất bê tông, hiện chưa có thiết bị chuyên dụng rút cọc bê tông đã cắm sâu dưới lòng đất. Việc rút nếu bắt buộc thực hiện cần lực gấp 4-5 so với khi đóng. Ví dụ cọc khi đóng xuống dùng lực 50 tấn thì khi nhổ lên phải sử dụng thiết bị có lực 160-200 tấn.

Tầng đất sau 10 m được chuyên gia Bộ Xây dựng đánh giá là đất sét pha cao lanh rất cứng, kết dính rất chặt. Đặc biệt khi gặp nước, đất sẽ giãn nở và càng thít chặt vào cọc bê tông, nên phương án cứu hộ phải giải quyết được khó khăn này. Trước đó, đoàn chuyên gia Nhật cũng vào hỗ trợ, tư vấn cách nhổ cọc lên. Hiện, lực lượng cứu hộ vẫn được duy trì với chủ lực là công binh Quân khu 9, địa phương, bộ ngành và nhà thầu dự án.

Tối 4/1, tức sau năm ngày xảy ra tai nạn ít gặp, tỉnh Đồng Tháp thông tin em Hạo Nam (10 tuổi) đã tử vong sau khi nhiều cơ quan tiến hành hội chẩn dựa trên những dữ liệu được cung cấp. Việc cứu hộ hiện có ý nghĩa sớm đưa thi thể em lên để lo hậu sự. Lực lượng chức năng nhìn nhận thiếu kinh nghiệm, hạn chế máy móc, nhân lực khiến công tác cứu hộ nạn nhân kéo dài.

Cuộc cứu hộ, giải cứu bé trai Hạo Nam ở Đồng Tháp rơi xuống trụ bê tông tử vong vẫn đang tiếp tục.

Theo SKĐS, trước đó tối 6/1, sau khi đánh giá, thảo luận, các chuyên gia tại hiện trường đề xuất một số phương án đưa trụ bê tông có bé trai 10 tuổi ở Đồng Tháp bên trong lên mặt đất.

Theo đó, phương án cứu hộ, giải cứu bé trai Hạo Nam rơi xuống trụ bê tông tử vong được các chuyên gia đồng thuận cao nhất là sử dụng kết hợp cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê tông.

Phương án này có thể tóm tắt như sau: Cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê tông tạo thành một bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1).

Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê tông (tạm gọi là tầng 2) và sau đó đất xung quanh trụ được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy trụ sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc trụ bê tông lên.

Như vậy, đây là phương án mới nhất để đưa bé Hạo Nam tử vong trong trụ bê tông lên mặt đất được đề xuất.

Công tác cứu hộ, giải cứu bé trai Hạo Nam ở Đồng Tháp rơi xuống trụ bê tông sâu 35m vẫn chưa thể hoàn thành dù đã thực hiện, thay đổi nhiều phương án cứu hộ.

Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực thay đổi các phương án để có thể sớm đưa được trụ bê tông có thi thể bé trai Hạo Nam ở Đồng Tháp bên trong lên khỏi mặt đất.

Sáng 6/1, thông tin với báo chí, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, lực lượng chức năng đã tính đến phương án cuối cùng để cứu hộ, giải cứu bé Hạo Nam là mở rộng miệng hố hàng chục mét để nhổ trụ bê tông lên. Việc này có thể sẽ phải lấp dòng kênh bên cạnh do phương án này đòi hỏi phải có mặt bằng rất lớn, ước tính khoảng 60m.

"Dù có khó khăn, tốn kém cỡ nào, chúng tôi cũng sẽ làm tới cùng chứ không phải khó khăn rồi bỏ cuộc", ông Bửu nhấn mạnh.

“Các lực lượng vẫn đang có mặt tại hiện trường nhưng đến thời điểm này, việc cứu hộ bé Hạo Nam chưa thể hoàn tất vì liên quan đến khó khăn kỹ thuật; các phương án đưa ra đang bị trở ngại”, ông Bửu thông tin thêm.

Hiện tại, các chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các lực lượng quân đội, công an và hàng trăm người tham gia cứu hộ vẫn đang triển khai các giải pháp để cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp, cụ thể là đưa trụ bê tông có thi thể nạn nhân lên mặt đất.

Lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc đưa bé lên khỏi mặt đất.

Trước đó, như đã đưa tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi để nhặt sắt. Không may, bé Nam rơi lọt xuống trụ bê tông rỗng ruột bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.

Theo cơ quan chức năng, việc giải cứu bé trai Hạo Nam 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông gặp khó khăn do miệng trụ bê tông quá nhỏ, chỉ 25cm, nhân viên cứu nạn không thể thả dây để leo xuống, đồng thời việc mở rộng hố mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho việc giải cứu nạn nhân.

[Tính đến phương án cuối cùng đưa bé trai 10 tuổi lên khỏi mặt đất]

B.Phúc (tổng hợp)