Bệnh về đường hô hấp gia tăng

THANH MAI 08/01/2023 08:10

Hiện nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc xuống thấp, trời rét đậm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân, nhất là người có sức đề kháng kém như người già, trẻ em…

Gần đây, trẻ em nhập viện liên quan đến bệnh hô hấp gia tăng.

Rất dễ nhiễm bệnh

Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mùa đông - xuân thời tiết lạnh, ẩm, bên cạnh đó nhu cầu đi lại, buôn bán gia cầm tăng nhanh và đây cũng là thời điểm tập trung đông người ăn uống làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, sự bùng phát các bệnh lý về hô hấp đã khiến công tác chẩn đoán, điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, viêm phổi ở trẻ em đã lấy đi gần 20 sinh mạng mỗi giây và chiếm đến 16% nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có đến 2,9 triệu lượt mắc bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo các bác sĩ, dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh về đường hô hấp là ho, chảy nước mũi, sốt, có thể chảy nước tai, khó thở. Viêm đường hô hấp là nhiễm trùng đường thở từ tai, mũi, họng cho đến các đường dẫn khí khác. Viêm đường hô hấp chia thành 2 nhóm: viêm đường hô hấp trên gồm viêm tai giữa, viêm mũi, xoang, họng, thanh quản… Viêm đường hô hấp dưới gồm viêm khí quản, phế quản, phế quản phổi. Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em rất đa dạng và ở nhiều mức độ. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, thở nhanh. Bệnh hô hấp thường không khó để điều trị, chỉ cần tuân thủ phác đồ thì 5-7 ngày sẽ khỏi bệnh nhưng nếu chủ quan vẫn để lại hệ lụy đáng tiếc.

Còn theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, có rất nhiều căn nguyên gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc virus. Hiện nay đang là thời điểm không khí chuyển lạnh, ẩm hơn, ánh sáng mặt trời ít hơn làm cho virus sinh sôi nảy nở trong môi trường mạnh hơn. Thực tế là số người tới khám và điều trị các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen... tại các bệnh viện đều tăng so với những tháng trước.

Trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng 1 năm 3 - 4 lần, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột. Triệu chứng ban đầu là trẻ thường bị ho, sốt, nghẹt mũi một hoặc 2 bên, có thể có sốt cao (38 - 40 độ), quấy khóc, bỏ ăn… Trẻ đã biết nói có thể sẽ than đau họng, nghẹt mũi, ù tai, đau tai, nhức đầu… Những ngày đầu mắc bệnh thường là do virus vì vậy không cần uống kháng sinh, chủ yếu là vệ sinh mũi họng cho trẻ. Nếu trẻ sốt từ (37 - 38,5 độ), cha mẹ cần lau cho con bằng nước ấm, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và cho uống hạ sốt (paracetamol). Nếu không bị bội nhiễm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên nếu trẻ sốt cao 3 ngày liên tục, phải đưa ngay đến bệnh viện khám để loại trừ bệnh sốt xuất huyết, xác định chính xác trẻ bị nhiễm virus hay nhiễm trùng.

Chủ động phòng bệnh

Những ngày qua, Phòng khám Nhi Bệnh viện Nhi trung ương luôn chật cứng người đến khám các bệnh về hô hấp. Số trẻ mắc các bệnh về hô hấp đến khám tăng hơn 40% so với ngày thường nhưng rất nhiều cha mẹ chủ quan. Theo các bác sĩ ở đây, nhiều trường hợp không đưa con đi khám mà dùng toa thuốc cũ hoặc khi trẻ mới uống thuốc được 1-3 ngày, bệnh có giảm nhưng chưa hết, cha mẹ đã ngưng thuốc, điều này dẫn đến tình trạng nhờn thuốc.

Theo ông Trần Đắc Phu, nhiều người có thói quen tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh để điều trị các triệu chứng thông thường như ho, sốt, nghẹt mũi, sổ mũi... Việc lạm dụng thuốc kháng sinh làm gia tăng khả năng kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài và tốn kém hơn. Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không được sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc...

Theo số liệu tại Bệnh viện Phổi Trung ương, số ca nhập viện điều trị trong đợt lạnh gần đây tăng cao đột biến, có thời điểm lên đến 130%. Trong đó, nhiều người già, người cao tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, hen phế quản...

Bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, thời gian này, không chỉ riêng Bệnh viện Phổi Trung ương, tại nhiều bệnh viện khác số bệnh nhân nhập viện liên quan đến bệnh hô hấp đều tăng. Bác sĩ Thành phân tích: Do khi chúng ta hít thở, phổi là cơ quan trực tiếp thông thương với môi trường bên ngoài nên tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Riêng với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, suy giảm miễn dịch)… phổi càng dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là trong thời tiết giá lạnh. Hầu hết trường hợp tới khám và phải nằm điều trị nội trú tại khoa đều nặng, nguy kịch, chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em.

Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, nhất là trong thời tiết giá lạnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng ở cả lượng và chất. Người dân nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm.

Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ; đồng thời, cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều khi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng tiến triển nặng, đặc biệt là tăng huyết áp, dễ gây đột quỵ. Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Người cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân…

THANH MAI