Uống rượu bia thế nào ít gây hại sức khỏe?

N.ANH 08/01/2023 08:10

Cuối năm và Tết Nguyên đán khó tránh khỏi những bữa liên hoan gặp gỡ bạn bè, đối tác. Làm sao để cuộc vui diễn ra mà không gây nguy hiểm tới sức khỏe vì rượu, bia?

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội), rượu bia là đồ uống chứa cồn, người uống cảm thấy hưng phấn, có ham muốn nhảy nhót, trò chuyện khi uống lượng nhỏ. Giai đoạn tiếp theo, một số người cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu hoặc buồn ngủ. Đặc biệt, sử dụng quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe về tim mạch, gan, thận, tuỵ, thần kinh, nội tiết.

Cụ thể, đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thậm chí suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tuỵ cấp, đái tháo đường, đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hòa động tác cơ thể kém; tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay; giảm trí nhớ.

Trường hợp ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), người bệnh có cảm giác say, sau đó mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết trường hợp đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, thậm chí tử vong.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu trung ương - cho biết, theo từng thể trạng, cơ địa, việc ngộ độc rượu hay say rượu sẽ có nhiều mức độ khác nhau. Khi uống rượu bia, chỉ có khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu, 90% còn lại đi thẳng qua gan.

Đối với người say rượu, biểu hiện nhẹ có thể xảy ra như không kiểm soát được cảm xúc, dễ nổi giận, chóng mặt, hoa mắt, đi không vững. Người có biểu hiện say rượu ở mức độ này chỉ cần nghỉ ngơi, sau khi nồng độ cồn trong cơ thể đào thải và giảm dần sẽ tỉnh táo.

Bác sĩ cũng khuyến cáo chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Trong đó, một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).

Trước khi uống rượu nên ăn uống đầy đủ, có thể ăn thêm tinh bột, các thức ăn giàu lipid…, việc này có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu rượu vào cơ thể. "Đối với những người sử dụng nhiều rượu, bia, khi thấy họ có biểu hiện như nói không rõ, ú ớ, gọi không phản ứng, thở yếu, tím tái, bất tỉnh, chân tay lạnh… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời", bác sĩ Thủy khuyến cáo.

Các bác sĩ cũng lưu ý: Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.

N.ANH