Ý kiến chuyên gia: Chính sách hỗ trợ VAT 8% nên tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023
Theo các chuyên gia và hiệp hội tiêu dùng, năm 2023 dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy cần duy trì chính sách giảm 2% thuế VAT tương tự như năm 2022 để doanh nghiệp được hưởng lợi, góp phần kích cầu tiêu dùng.
Trong năm 2022, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được hỗ trợ nhiều bởi mức giảm thuế VAT xuống 8%. Theo đó, thuế VAT đã tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả hàng hóa, giúp kìm được giá thành và kéo theo giá bán hàng hóa không tăng sốc.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế VAT đã hết hiệu lực, trong khi, hàng loạt những khó khăn, thách thức vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp, đặc biệt là khi dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Theo quy luật hàng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết.
Đánh giá của nhiều hiệp hội ghi nhận, từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022, thuế giá trị gia tăng (GTGT) được áp dụng giảm xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ đã tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế, góp phần trực tiếp và gián tiếp tạo nên những điểm sáng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Với mỗi người dân, trong 100 đồng tiêu dùng là ngay lập tức tiết kiệm được 2 đồng. Khi điều kiện kinh tế khó khăn hơn, thu nhập sụt giảm, thậm chí nhiều người mất việc làm, những đồng tiền tiết kiệm này là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, cùng một số tiền này mua được nhiều sản phẩm hơn, nên tâm lý tiêu dùng ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn. Với mỗi doanh nghiệp, giảm thuế cũng là giảm cả giá đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất.
Giá đầu ra giảm tuy doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số, đẩy mạnh quy mô kinh doanh. Chính sách giảm thuế cũng góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Ngoài các hiệp hội tiêu dùng, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cùng chung quan điểm. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ nêu rõ, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Về thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Vì vậy, chính sách hỗ trợ thuế VAT nên kéo dài sang hết năm 2023 để đủ thời gian hỗ trợ các doanh nghiệp, bởi hiện nay doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ thực hiện trong thời gian ngắn thì không thể đạt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, việc đưa ra chính sách giảm thuế VAT cũng phần nào góp phần kích cầu tiêu dùng, góp phần gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Trong năm 2022 nguồn thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán và cao hơn 15% so với năm 2021. Đây là dư địa để Chính phủ có thể tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cho nhiều hàng hóa.
Ngoài ra, kinh tế trong năm 2023 hiện vẫn đối diện nhiều khó khăn, vì vậy cần phải khuyến khích, hỗ trợ để kích cầu trong nước, nhất là giai đoạn hiện nay để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất ổn định và có cơ hội phát triển trong cả năm, chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Do chưa có chính sách mới nên dự kiến mức thuế giá trị gia tăng trong năm 2023 sẽ quay trở lại như trước ngày 1/2/2022. Cụ thể, theo Luật Việt Nam, mức thuế VAT 2023 sẽ như sau:
Thuế VAT 0% đối với hàng tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; cung cấp cho khách hàng nước ngoài, vận tải quốc tế. Ngoại trừ các loại chuyển giao công nghiệp hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ hoặc tái bảo hiểm ra nước ngoài; cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, tài chính phái sinh và bưu chính, viễn thông…
Thuế VAT 5% đối với nước sạch sản xuất, sinh hoạt. Quặng sản xuất phân bón, thuốc phòng trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng. Đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Thiết bị, dụng cụ y tế; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng, chữa bệnh… Đồ chơi cho trẻ em và bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội…
Thuế VAT 10% với các mặt hàng, sản phẩm còn lại.