Thông tin xung quanh vụ tranh chấp tài sản tại Long Biên
Theo tố cáo của bà T.G.T, trong quá trình bà đi Pháp, ông A. đã có dấu hiệu ‘dịch chuyển’ nhiều tài sản của công ty do 2 người cùng góp vốn thành lập đồng thời không cho bà vào căn nhà tại phường Ngọc Thụy mà bà T. đứng tên.
Tranh cãi quanh việc chuyển nhượng 1% cổ phần của công ty
Vụ việc người vợ tố cáo chồng về hai nội dung liên quan tới tài sản và bất động sản khiến dư luận không khỏi xôn xao. Người chồng đang được nói đến là ông J.A(54 tuổi).
Theo thông tin của bà T.G.T (vợ ông A.), năm 2008, hai người kết hôn và có 2 con trai chung. Năm 2006, ông J.A và bà T. góp vốn thành lập Công ty TNHH T.S với tỉ lệ phần vốn góp là 70 - 30 và cùng quản lý. Đến hết tháng 3/2020, bà T. dừng công việc quản lý tại T.S rồi sau đó 1 năm, sang Pháp cùng con trai.
Trong khoảng thời gian cư trú tại Pháp, bà T. không nhận được bất kỳ thông tin cũng như tài liệu liên quan đến hoạt động của T.S. Đáng chú ý, sau khi trở về Việt Nam, bà Thủy phát hiện Công ty T.S đã thay đổi đăng ký kinh doanh và có thêm một thành viên góp vốn là ông NTB thành phần góp vốn thay đổi thành: ông R.J.A 69%, ông NTB 1% và bà Thủy sở hữu 30%.
Theo như tài liệu ông A. cung cấp, trong thời gian bà T. đang sống ở Pháp, ông A. đã liên hệ với bà Thủy cũng như gửi email thông báo mời họp HĐTV cho bà kèm theo đó là các báo cáo kế toán của công ty từ năm 2020 đến 2022 và chính bà T. sau đó là người đã phản hồi lại email này.
Về vấn đề chuyển nhượng cổ phần công ty, ông A. cho biết, trên đăng ký kinh doanh của Công ty chung mà 2 người đang đóng góp, thời gian thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 11 bổ sung thành viên góp vốn 1% là ngày 18/05/2021, nghĩa là việc thay đổi trước khi bà T. rời Việt Nam sang Pháp và bà T. là người biết có việc chuyển đổi này.
Trong khi đó bà T. cho rằng, dù là thành viên sáng lập kiêm cổ đông, thế nhưng, bà T. không hề được thực hiện quyền lợi hợp pháp nào liên quan đến các quyết định thay đổi đăng ký kinh doanh và thay đổi phần trăm vốn góp.
Trước vấn đề này, ông A. trao đổi thông tin, Công ty T.S được thành lập trước khi hai vợ chồng kết hôn với phần trăm ông A. góp vốn là 70%, việc chuyển đổi 1% cổ phần này xuất phát từ phần vốn góp riêng của ông A. sang cho người khác không làm ảnh hưởng thay đổi đến tỷ lệ phần trăm bà T. đang có, đồng nghĩa với việc ông A. giữ 69%, bà T. vẫn giữ 30% vốn của mình và thành viên mới là 1%.
Theo lời bà Thủy, quyền lợi cổ đông của bà còn bị xâm phạm tại một số hoạt động khác của công ty. Cụ thể, tháng 7/2019, T.S mua lại 30% vốn góp của Công ty TNHH E.Tp tại Công ty TNHH Rượu vang và Rượu mạnh L.M. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian bà Thủy cư trú tại Pháp, phần vốn góp này đã bị ông R.J.A tự ý chuyển nhượng cho Công ty TNHH G.N.G do bà N.P.A làm đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, từ những hồ sơ mà ông A. cung cấp, việc chuyển nhượng là hoạt động nội bộ của công ty và công ty đã làm đúng theo quy trình, nội quy, Điều lệ công ty theo quy định pháp luật.
Cũng theo đơn của bà T., Công ty TNHH T.S đã hoạt động rất lâu và có vốn điều lệ là 11.000.000.000 đồng (Mười một tỷ đồng), tuy nhiên thời điểm kiểm kê sổ sách và định giá ngày 31/3/2022 thì giá trị công ty chỉ có 2.409.268.777 (Hai tỷ bốn trăm linh chín triệu hai trăm sáu mươi tám nghìn, bảy trăm bảy bảy đồng). Nhiều máy móc và các tài sản khác của Công ty T.S đều không được đưa vào định giá, trong đó có phần vốn góp tại Công ty TNHH Rượu vang và Rượu mạnh L.M.
Nhưng dựa trên báo cáo báo cáo tài chính từ năm 2019 đến Quý 1/2022 mà ông A. đưa ra, (được kiểm toán theo luật đầu tư ra nước ngoài) toàn bộ máy móc và tài sản khác cũng như phần vốn góp của Công ty TNHH Rượu vang và Rượu mạnh L.M đều được thể hiện rõ ràng, hơn nữa năm 2019 bà T. là người làm báo cáo tài chính và gửi cho ông A.
Ngoài ra, trước khi rời khỏi Việt Nam (ngày 10/10/2021), bà T. đã ký Giấy uỷ quyền quản lý Công ty Cổ phần A. cho ông J.A và bà N.P.A với mục đích thay mặt giải quyết các vấn đề phát sinh của công ty trong khoảng thời gian bà vắng mặt ở Việt Nam. Mặc dù nhiều lần yêu cầu ông J.A và bà N.P.A thông bảo về tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần A. nhưng bà T. đều không nhận được phản hồi.
Theo quan điểm của ông A. việc ủy quyền cho người khác theo ý chí của một bên không đồng nghĩa với việc bên được ủy quyền phải nhận, do đó ông A. cho rằng, cần phải xem xét người được ủy quyền có đồng ý nhận ủy quyền không. Trong vụ việc trên, ngay khi xem giấy này, bà N.P.A không đồng ý nhận ủy quyền hay chịu bất kì trách nhiệm nào từ công ty A. nên đã trả lại cho ông A. để hủy bỏ.
Theo bà T., sau khi thời hạn ủy quyền kết thúc (1 năm) ông R.J.A đã liên lạc với mong muốn hoàn trả lại tất cả các hồ sơ, tài liệu... tuy nhiên, thời điểm này, Công ty Cổ phần A. gần như đang trong tình trạng có khả năng đóng cửa vì không còn đủ năng lực tài chính và nhân viên.
Nhưng như ông A. đưa thông tin, từ 14/06/2022, bà T. là người đơn phương chủ động viết email yêu cầu đóng cửa công ty AGT do chính bà quản lý trong vòng 7 ngày và bà sẽ thông báo tới các cơ quan nhà nước, công an về việc này.
Công ty cổ phần AGT tính đến tháng 11/2021 chỉ có 2 nhân viên là bà N.T.T và bà T.T.L. Ngày 28/06/2022, bà T. tiếp tục yêu cầu ông A. hoàn tất các thủ tục chốt và trả sổ bảo hiểm cho hai người này. Trên thực tế, theo như ông A. cho biết, bà T. đã cho 2 nhân viên công ty nghỉ việc trước khi đề nghị ông trả bảo hiểm.
Bị ngăn cản vào nhà
Không chỉ quyền lợi phát sinh từ phần vốn góp tại T.S, bà T. còn cho biết bị xâm phạm đến lợi ích tại thửa đất tại Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội.
Theo bà T., bà là chủ sở hữu của thửa đất 2-10; 2-11 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp ngày 6/3/2020 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cấp.
Trong quá trình chung sống, bà T. cho biết chưa từng ký kết một giấy tờ pháp lý nào để nhằm gộp căn nhà thuộc quyền sở hữu riêng vào tài sản chung trong hôn nhân.
Tuy nhiên, theo Vi bằng số 423/2021/VB-TPLTĐ ngày 08/4/2021 được lập tại Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đô về việc xác nhận về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân giữa bà T.G.T và do ông J.S.A cung cấp, có đầy đủ chữ ký của cả 2 vợ chồng cũng như người làm chứng. Hơn nữa, vi bằng này bà Thủy là người yêu cầu lập theo hợp đồng dịch vụ số ngày 08/04/2021. Căn cứ theo khoản 2.1 và 2.2 - Điều 2 thể hiện: “Quyền sử dụng đất (số CU 435...), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của thửa đất số 2-10+2-11, tờ bản đồ số 13; có địa chỉ tại: Tổ 17, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; diện tích: 194,4 m2. Vi bằng cũng nêu "các tài sản nêu trên là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân do Bên A và Bên B đóng góp công sứ ngang nhau để tạo lập, xây dựng và tôn tạo". Trong quá trình sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Bên B là ông (người nước ngoài) bị hạn chế về việc đứng tên sở hữu bất động sản do vậy hai bên thống nhất để Bên A (bà T.G.T) đứng tên trên 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bên B đã phối hợp, thực hiện các thủ tục cần thiết để Bên A được đứng tên trên 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nêu trên”.
Sau khi từ Pháp trở về, khoảng 11h ngày 26/10/2022, hai mẹ con bà T. bị ông A. đóng cửa, ngăn cản không cho vào ngôi nhà nói trên. Do đó bà đã làm đơn trình báo công an phường thông báo sự việc trên và công an phường đã xác nhận sự việc.
Ông A. cho biết: “Ngày con trai nhỏ tôi từ Pháp trở về, anh trai và chị gái của con đã cố gắng mời con vào nhà chơi và nghỉ ngơi, tuy nhiên bà T. liên tục ngăn cản để con đi với mẹ. Cuối cùng sau khi tôi và các anh chị của con thuyết phục, con cũng ở nhà chơi với các anh chị đến buổi chiều. Hơn nữa, kể từ khi con về, tôi đã nhiều lần đề nghị mỗi người được ở với con 1 tuần nhưng bà T. không chấp nhận”.
Ngày 27/10/2022, bà T. tiếp tục quay lại căn nhà tại thửa đất 2-10; 2-11 nhưng bị bốn người đàn ông ngăn không cho vào.
Ông A. trao đổi với báo, thời gian bà T. quay trở lại, thời điểm đó ông không có mặt ở nhà và bà T. không hề gặp hay tiếp xúc với những người bảo vệ, bà T. đi sang nhà hàng xóm và sau đó rời đi nên bà không hề vào nhà cũng như bị bốn người đàn ông ngăn cản.
Sự việc chưa dừng lại ở đó, khoảng 8h ngày 23/11/2022, bà T. bị ông A. ngăn cản không cho vào ngôi nhà tại phường Ngọc Thụy. Điều này đã được ghi nhận bởi hàng xóm và Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình.
“Trước khi bà T. trở về Việt Nam, bà đã không hề có bất kì thông báo nào trước cho tôi và con trai lớn. Hơn nữa kể từ tháng 4/2022, bà T. đã từ chối mọi cuộc trao đổi với tôi. Tôi không phản đối việc bà T.vào nhà, tuy nhiên phải cần có 1 thỏa thuận rõ ràng của cả 2. Trước ngày bà T. về Việt Nam cùng con trai, ngày 21/10/2022, tôi đã viết email đề nghị bà Thủy phải thỏa thuận và một biên bản ghi nhớ sẽ được ký kết trước đó, việc làm này chỉ là sự tiếp tục hợp lý hóa của thỏa thuận ly thân. Tôi luôn muốn giải quyết vấn đề này bằng phương thức thương lượng, thoả thuận”, ông R.J.A
Bà T. còn cho biết: "Trong suốt khoảng thời gian tôi ở Pháp cùng con trai, ông A. không chuyển cho bà bất kỳ khoản lợi nhuận nào phát sinh từ tài sản chung trong hôn nhân và tài sản riêng của tôi để tôi phải xoay sở kiếm tiền trang trải cho cuộc sống".
Qua các giấy tờ ông A. đưa ra, ngoài tiền cho thuê căn hộ đang được chuyển trực tiếp vào tài khoản ở Pháp của bà, thì hàng tháng ông A. vẫn chuyển đầy đủ một khoản trợ cấp đủ để nuôi 2 mẹ con bà T.
Liên quan đến vụ việc này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan và sẽ thông tin tới bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.