Đổi mới điều hành giá xăng dầu

H.Hương 09/01/2023 07:10

Trước yêu cầu đổi mới trong điều hành thị trường xăng dầu, Bộ Công thương vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, trong đó có một số điểm mới, như rút ngắn chu kỳ điều hành giá, cho doanh nghiệp được quyền quyết định giá.

Dự thảo của Bộ Công thương có nhiều điểm mới trong điều hành giá xăng dầu. Ảnh: Quang Vinh.

Giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Tài chính

Tại dự thảo, Bộ Công thương cũng đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, Bộ Công thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Nêu quan điểm về đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án gồm: Giữ nguyên như quy định hiện hành; giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công thương quản lý.

Với phương án 1, Bộ Công thương cho rằng, dù đã được thực hiện nhiều năm, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ từng bộ ngành, thực hiện giám sát kiểm tra chi phí, song khi có vấn đề phát sinh lại cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành để cùng xử lý.

Đối với phương án 2, việc điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính. Theo Bộ Công thương phương án này bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu.

Song nhược điểm là việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Đối với phương án 3 giao cho Bộ Công thương, dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu, nhưng lại không đảm bảo sự phù hợp, thống nhất trong phân công, thực hiện theo chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy.

Trên cơ sở các phân tích, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án 2, tức là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Doanh nghiệp được quyền định giá

Một điểm mới trong dự thảo sửa đổi nữa là Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, DN sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.

Cụ thể theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần để các DN tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống. Ví dụ, Nhà nước công bố giá bán lẻ với RON 95 là 21.154 đồng/lít thì DN công bố giá bán ra không được cao hơn giá này.

Theo Bộ Công thương, việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên chi phí bình quân do các DN báo cáo không phản ánh đúng thực tế của từng DN, cũng như những phát sinh mà họ phải bỏ ra.

Chẳng hạn, DN sẽ bị thua lỗ khi chi phí tăng cao liên tục, trong khi không được cập nhật, tính đúng, đủ trong công thức tính giá cơ sở nên ảnh hưởng khả năng duy trì kinh doanh và chiết khấu trong hệ thống phân phối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn vừa qua.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý đề xuất hai phương án. Phương án 1, vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của DN chưa được tính, như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... sẽ được rà soát để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.

Phương án 2, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Đây được coi là giá định hướng, các DN trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. DN tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công thương - Tài chính để giám sát.

Bộ Công thương đề nghị chọn phương án 2 với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước. Mặt khác, phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng DN, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các DN tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

"Khi DN đầu mối được tự quyết định các chi phí kinh doanh, họ sẽ cân đối, duy trì chiết khấu trong hệ thống phù hợp với thực tế cung cầu trên thị trường, nên vấn đề bất cập về chiết khấu được giải quyết" - Bộ Công thương nêu quan điểm.

Ngược lại, nhược điểm khi DN được hoàn toàn xác định, công bố giá bán lẻ, là sẽ có nhiều mức giá trên thị trường. Với khu vực, địa bàn không có nhiều DN xăng dầu cung ứng, hoặc vùng sâu, xa sẽ phát sinh chi phí cao, người dân có thể phải mua xăng dầu giá cao hơn.

Trong dự thảo, liên Bộ Công thương - Tài chính vẫn đề xuất 2 phương án điều hành giá: Phương án 1, giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động, Thủ tướng chỉ đạo liên Bộ Công thương - Tài chính thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp diễn biến từng giai đoạn; Phương án 2, rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần. Bộ Công thương chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày. Nêu lý do, Bộ Công thương cho rằng sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới.

H.Hương