Rõ ràng, minh bạch và xử lý rốt ráo
Chiều 7/1 vừa qua, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, trong đó có việc chậm thanh toán chế độ, chi phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng Nghị quyết 30 là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, chưa có tiền lệ nhưng quá trình thực hiện chưa tốt.
Ông Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đặt vấn đề cần phải làm rõ lý do vì sao để chậm trễ như vậy, bởi Quốc hội đã cho phép và Chính phủ không phải thiếu kinh phí. “Có phải là do thiếu tinh thần trách nhiệm vì chưa rõ cần làm thế nào, hay là bị mất phương hướng sau khi một loạt sai phạm xảy ra và vì những người có trách nhiệm sợ sai” - ông Trí nói.
Còn đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng trong lúc dịch bùng phát các lực lượng vào tuyến đầu chống dịch Covid-19 không cần biết được hưởng bao nhiêu vì lúc đó chỉ lo bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân. Vì thế việc chậm thanh toán đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng này. Ông Ngân rất không đồng ý việc lấy lý do phải tuân thủ các thủ tục để chậm thanh toán.
Đất nước ta đã phải qua một thời gian rất dài dồn sức phòng, chống và dập dịch Covid-19. Đó là cuộc chiến trong thời bình chưa có tiền lệ. Trong cuộc chiến ấy, cùng với người dân cả nước, nhiều lực lượng đã dũng cảm lăn vào hiểm nguy dập dịch. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, những “chiến sĩ áo trắng” được nhân dân trìu mến và kính trọng. Họ không đòi hỏi “thù lao” cho riêng mình, nhưng Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho họ thì các cấp, các ngành, địa phương cần phải thực hiện đầy đủ, thực hiện ngay. Bất cứ lý do trì hoãn nào cũng đều khó chấp nhận.
Tới nay, có thể khẳng định Việt Nam đã chiến thắng đại dịch Covid-19, nhưng không hẳn đã hoàn toàn yên tâm khi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 vẫn xuất hiện, thế giới vẫn chưa yên với Covid -19. Vì thế, cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, nhất là với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Còn nhớ, ngày 5/7/2022, tại hội nghị mở rộng lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã gửi lời xin lỗi tới 40.000 cán bộ, nhân viên y tế về việc chậm trễ chi tiền khen thưởng cho họ (khoảng 19 tỷ đồng). Ông Nên cho rằng, việc khen thưởng cho lực lượng y tế là việc rất đơn giản và đây là chủ trương lớn của đảng bộ TPHCM. Tuy nhiên, khi thực hiện lại máy móc, cứng nhắc theo thủ tục hành chính đơn thuần. Theo ông Nên, đây là bài học đáng để suy ngẫm của từng cấp, từng ngành trong một câu chuyện tưởng như bình thường và việc khen thưởng là rất xứng đáng.
Tuy nhiên, sau lời xin lỗi của Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chưa thấy thêm lãnh đạo địa phương nào xin lỗi trong việc chậm trễ thanh toán chế độ, chi phí, khen thưởng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Cũng cần nhắc lại rằng, Nghị quyết 30 của Quốc hội rất đặc biệt khi tạo ra cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để chống dịch Covid-19. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế vào cuộc, đồng tình ủng hộ; huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực tế cho thấy Nghị quyết 30 đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả; làm thay đổi cục diện chống dịch; mở cửa nền kinh tế, tạo bước đột phá chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vững chắc cho đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước.
Trở lại với ý kiến của các vị ĐBQH, câu hỏi cần phải được đặt ra là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất sớm, rất rõ ràng nhưng vì sao lại chậm thanh toán chế độ, chi phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19? Ai phải chịu trách nhiệm? Nếu chỉ nêu bất cập mà không chỉ rõ nguyên nhân, người nào phải chị trách nhiệm thì e rằng sẽ khó giải quyết tận gốc và rất có thể trong tương lai sẽ lặp lại ở các lĩnh vực khác.
Cùng đó, người dân mong muốn khi ĐBQH nêu vấn đề cần đưa ra con số cụ thể chế độ, chi phí cần phải thanh toán cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là bao nhiêu, đến nay còn nợ bao nhiêu, địa phương nào nợ nhiều nhất...
Rõ ràng, minh bạch, xử lý rốt ráo chính là cách tốt nhất để giải quyết vướng mắc và không để tái diễn trong tương lai.