Hà Nội tìm cách mở rộng du lịch
Phấn đấu đón 3 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều kế hoạch nâng chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch, xây dựng các chương trình du lịch mới...
Tiếp đà tăng trưởng, năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đặt chỉ tiêu phấn đấu đón được 22 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6% so với năm 2022. Trong đó, Hà Nội phấn đấu đón 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5%...
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, Thủ đô đón khoảng 208.000 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 38.000 lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 170.000 lượt, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 779 tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu của năm 2023 đã đề ra, tới đây, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung phát triển 5 tuyến du lịch, gồm: Tuyến trung tâm gồm các quận Hoàn Kiếm - Ba Đình - Đống Đa - Hồ Tây; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp với Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình) để đẩy mạnh trục du lịch tâm linh; tuyến Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai; tuyến Đông Anh - Mê Linh với sản phẩm du lịch về hoa; tuyến Sóc Sơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm.
Đặc biệt, các sản phẩm tour đêm đang được Hà Nội triển khai và nhận được sự quan tâm, chú ý của du khách có thể kể đến tour Đêm thiêng liêng tại Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ hồ Gươm, phố đi bộ Trần Nhân Tông...
Các sản phẩm du lịch đêm đã góp phần giữ chân du khách ở lại Hà Nội lâu hơn và giúp phát triển thế mạnh du lịch đêm của Hà Nội. “Trong đó, tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" được tổ chức vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, tiến tới sẽ phục vụ du khách vào tất cả các đêm trong tuần” – theo bà Nguyễn Hồng Chi - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Hanoitourist, cho rằng thời gian tới, để du lịch Thủ đô có thể phục hồi, nhất là khách quốc tế và phát triển một cách bền vững, cần xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ về đêm để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Trong năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đường sông và du lịch MICE, du lịch golf…Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô cần phải đổi mới, cơ cấu lại để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao với 3 khâu đột phá là tăng cường nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch và chuyển đổi số trong du lịch, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch triển khai số hóa các điểm đến trong hệ thống giới thiệu du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo; triển khai vé điện tử... để góp phần chuyển đổi số, phát triển du lịch theo hướng hiện đại.
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, du lịch là lĩnh vực không nằm ngoài xu thế này. Đối với ngành du lịch Thủ đô, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm mà Sở Du lịch cần phải tăng cường hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu quản lý, kinh doanh và tăng cường trải nghiệm, thuận tiện cho du khách” - ông Quyền nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng ngành du lịch Hà Nội cần cơ cấu theo hướng tập hợp những nét đặc sắc của các vùng miền, thể hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt các địa phương trong vùng và cả nước cùng phát triển; kết nối các sản phẩm du lịch Hà Nội với các địa phương khác; thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch; nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch để thu hút du khách.