Bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính
Bỏ sổ hộ khẩu giấy là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên đối với người chưa được cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử, mã định danh điện tử vẫn gặp nhiều trục trặc trong thực hiện thủ tục hành chính. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần tiếp tục đẩy nhanh cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.
PV: Ông đánh giá như thế nào khi không ít người dân vẫn gặp khó khăn trong thực hiện một số thủ tục hành chính do Căn cước công dân gắn chip điện tử chưa có?
Ông Phạm Văn Hòa: Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1/1/2023 người dân khi đi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ không sử dụng sổ hộ khẩu giấy, thay vào đó là sử dụng Căn cước công dân có gắn chip điện tử, mã định danh điện tử. Có thể nói, bỏ sổ hộ khẩu giấy là một cuộc cách mạng về thủ tục hành chính của nước ta. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ, lần đầu tiên Việt Nam không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy, chỉ sử dụng Căn cước công dân có gắn chip điện tử, mã định danh.
Tuy nhiên hiện vẫn đang gặp một vài khó khăn. Thứ nhất chúng ta mới cấp 76 triệu Căn cước công dân có gắn chip điện tử, số còn lại chưa cấp. Trong khi mã định danh lại gắn liền với Căn cước công dân có gắn chip điện tử. Do đó đối với số này khi đi làm thủ tục hành chính sẽ khó khăn, khi cần xác nhận thông tin về cư trú để thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Thứ hai, nhiều địa phương còn khó khăn trong trang bị thiết bị, cơ sở vật chất, máy quét QRcode và đọc chip để có thể sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Đây là vấn đề mà một số nơi đang lúng túng và khó khăn trong tổ chức thực hiện. Vì thế dù hiện nay không sử dụng sổ hộ khẩu giấy nhưng người dân vẫn còn tâm lý giữ sổ hộ khẩu giấy. Chưa kể một số thủ tục do chưa được tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn cần giấy xác nhận, nhất là các thủ tục liên quan đến hôn nhân, đất đai.
Thực tế hiện có 96% dữ liệu đã được “làm sạch” nhưng tại sao việc kết nối lại khó khăn, thưa ông?
- Ngành công an đã làm rất tốt rồi. Người dân đến cơ quan công an phường, xã thì không cần hộ khẩu giấy vì ngành công an đã tích hợp rồi. Nhưng các ngành khác lại chưa tích hợp, kết nối. Vì thế một số thủ tục vẫn cần xác nhận của cơ quan công an. Đó là do các ngành chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, việc kết nối không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian cho các ngành chuẩn bị. Theo đó, cần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật để tích hợp số liệu kết nối thì lúc đó mới thực hiện thuận lợi.
Vậy ông có khuyến cáo gì đối với người dân khi đi làm thủ tục hành chính sau khi đã bỏ sổ hộ khẩu giấy?
- Khi đi làm thủ tục hành chính, người dân cần mang Căn cước công dân có gắn chip điện tử. Hoặc có thể sử dụng mã định danh điện tử. Đối với những nơi chưa được tích hợp dữ liệu, đòi hỏi chứng nhận thì người dân phải đến cơ quan công an xã, phường xác nhận.
Do mới áp dụng nên không tránh khỏi khó khăn, song những khó khăn chỉ là bước đầu. Khi đi vào thực thi, người dân sẽ thấy văn minh, thuận tiện trong thực hiện thủ tục hành chính, không phải mang theo sổ hộ khẩu kè kè bên mình, nhất là lo bị mất sổ.
Với những khó khăn hiện nay trong thực hiện thủ tục hành chính khi đã bỏ sổ hộ khẩu, cũng như những vấn đề liên quan đến mã định danh điện tử, chúng ta cần giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Quá trình tổ chức thực hiện, dù khó đến đâu cũng có cách giải quyết, và sẽ giải quyết dần dần. Việc quan trọng là, trước tiên cơ quan công an cần đẩy nhanh tiến độ làm Căn cước công dân có gắn chip điện tử cho người dân. Ngành công an đã có chiến dịch 90 ngày đêm lần thứ nhất, bây giờ tiếp tục chiến dịch 90 ngày đêm lần thứ hai để làm quyết liệt. Tôi tin với những nỗ lực đó, việc làm căn cước công dân gắn chip sẽ đạt hiệu quả. Mặt khác, người dân cũng cần chủ động đi làm Căn cước công dân. Vì cơ quan công an không thể đến từng hộ gia đình để mời làm căn cước công dân. Khi mỗi người dân có mã định danh cá nhân, mã định danh điện tử thì sẽ thuận lợi hơn trong đi làm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cơ sở vật chất cho các ngành để tích hợp, kết nối số liệu. Hiện ngành công an và tư pháp đã sẵn sàng, chỉ chờ các ngành khác. Nhất là ngành tài nguyên môi trường liên quan đến cơ sở dữ liệu về đất đai.
Hy vọng trong thời gian sớm nhất, với việc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho các ngành tích hợp đầy đủ cơ sở dữ liệu kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sẽ thông suốt từ trên xuống dưới.
Trân trọng cảm ơn ông!