42 tỉnh, thành đã loại trừ sốt rét
Đến hết năm 2022, có 42 tỉnh đã công bố loại trừ sốt rét. Dự kiến đến cuối năm 2023, có thêm 5 tỉnh: Điện Biên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tây Ninh và Kiên Giang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là số liệu vừa được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương thông tin.
Theo đó, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong chiến lược toàn cầu về phòng, chống sốt rét, nhưng theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới và 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia vào năm 2020. Trong đó, hơn 2/3 số ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi sống ở khu vực châu Phi. Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã làm tăng 12% số ca tử vong do sốt rét.
Tại nước ta, công tác phòng, chống sốt rét đã trải qua nhiều giai đoạn. Đặc biệt từ năm 1991 chuyển sang chiến lược phòng, chống sốt rét và đưa ra mục tiêu giảm mắc, giảm tử vong, không để dịch sốt rét xảy ra và biện pháp chuyên môn, chủ yếu là chẩn đoán, điều trị.
Theo TS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, đến nay Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác loại trừ sốt rét. Mặc dù năm 2022, ngành y tế nói chung và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tác động nhiều chiều của dịch Covid-19 đối với ngành y tế, khó khăn về cơ chế chính sách liên quan đến mua sắm, đấu thầu, cung ứng dịch vụ đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, phòng chống bệnh ký sinh trùng, côn trùng... Tuy nhiên, nhìn lại kết quả của năm 2022, đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Trong đó, công tác phòng, chống sốt rét toàn quốc vẫn được khống chế tốt, ký sinh trùng sốt rét giảm nhẹ so với năm 2021. Toàn quốc có 456 trường hợp bệnh mắc sốt rét, giảm 2,4% so với năm 2021; không có trường hợp tử vong. Đến hết năm 2022, có 42 tỉnh, thành phố đã công bố loại trừ sốt rét. Dự kiến đến cuối năm 2023, có thêm 5 tỉnh: Điện Biên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tây Ninh và Kiên Giang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.
Tuy nhiên, ông Cảnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh các thành tích nổi bật, vẫn còn không ít khó khăn và một trong số đó là bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Lai Châu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, gia tăng số trường hợp mắc. Bên cạnh đó, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, phòng chống véc tơ truyền bệnh sốt rét và bệnh sốt xuất huyết.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hầu như không còn bệnh nhân sốt rét. Vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót. Đáng nói, Hà Nội và TPHCM là nơi có biến động dân cư rất lớn, cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối nên hàng năm vẫn ghi nhận một số trường hợp sốt rét đến từ vùng đang có dịch sốt rét lưu hành trong và ngoài nước.
Ông Cảnh khẳng định, sốt rét hiện chưa có vaccine nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau.
Phòng, chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau; cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng, chống sốt rét.