Sáng kiến của một cô giáo
Cô giáo dạy bộ môn Hóa học đã lồng ghép các quy định của Luật Giao thông vào các tiết học của mình nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh. Đó là cô Phạm Thị Nữ - giáo viên Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo cô giáo Phạm Thị Nữ, Trường THPT Trần Kỳ Phong nằm ở phía Bắc của huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), học sinh của trường phần lớn là con em ở các xã bãi ngang ven biển và giáp ranh với huyện Núi Thành. Đây là một điểm nóng về an toàn giao thông (ATGT). Đặc biệt, hàng ngày các em học sinh của trường phải vượt từ 5 đến 15km đến trường với nhiều phương tiện khác nhau như xe đạp, xe máy điện,…
Đã có hơn 17 năm công tác giảng dạy và sinh sống tại Bình Sơn, chứng kiến nhiều vụ TNGT thương tâm, trong đó có những vụ tai nạn là các em học sinh của trường mình. Chính vì vậy mà trong các tiết học của môn Hóa học cô đã lồng ghép các quy định của Luật Giao thông nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho học sinh.
Cô Phạm Thị Nữ cho biết, trước khi lồng ghép giáo dục ATGT vào tiết dạy Hóa học do cô đảm nhiệm, cô phải soạn giáo án và xin ý kiến của Ban giám hiệu nhà trường rồi mới áp dụng vào giảng dạy cho học sinh. Lúc bắt đầu giảng dạy cô đã rất lo lắng, sợ các em không hiểu bài. Thế nhưng, khi đưa vào giảng dạy các em lại thích thú và nhanh tiếp thu các kiến thức, nội dung hơn. Đồng thời, học sinh có thể áp dụng vào thực tiễn khi tham gia giao thông trên đường, điều đó càng làm cho cô an tâm và tin tưởng vào việc mình đã làm.
“Tôi đưa ra ví dụ, trong bài học về chất Ancol trong chương trình hóa học lớp 11 thì tôi lồng ghép nội dung Luật Giao thông có liên quan đến hành vi “Uống rượu bia khi tham gia giao thông” và xây dựng tiểu phẩm “Tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông”. Hoặc khi nghiên cứu bài học Ankan, trên cơ sở nội dung hóa học về phản ứng cháy của hiđrocacbon, tôi liên hệ hành vi rồ ga, nẹt pô khi tham gia giao thông: Bản chất hóa học, tác hại của hành vi, Luật ATGT xử phạt đối với hành vi đi xe máy rồ ga, nẹt pô như thế nào. Từ đó, các em bắt đầu cảm nhận được những gì tôi muốn truyền đạt” - cô giáo Nữ nói, đồng thời cho biết, khi tuyên truyền về một chủ đề ATGT nào đó, cô phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn, nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều những kiến thức có liên quan, có khi còn phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cảnh sát giao thông ở địa phương.
Em Đoàn Thị Thu Vy - học sinh lớp 12C2, Trường THPT Trần Kỳ Phong cho biết: “Việc cô giáo Nữ lồng ghép các kiến thức Luật GTĐB vào tiết học môn Hóa học, ngoài việc giúp chúng em hiểu bài thì cũng nắm vững được Luật GTĐB, nhờ vậy chúng em luôn chấp hành tốt khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Với em, cách dạy của cô Nữ rất sáng tạo và hữu ích đối với học sinh trong nhà trường”.
Nhận xét về cô giáo Phạm Thị Nữ, ông Nguyễn Phiêu - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong cho biết, cô giáo Nữ là giáo viên vừa có chuyên môn, vừa có những sáng kiến tốt giúp cho học sinh nâng cao kiến thức trong quá trình tham gia giao thông. Năm học 2021-2022, cô Nữ được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.