Người dân An Lạc ‘đội mưa’ tất bật chăm sóc hoa Tết
Những ngày này, người dân ở làng hoa An Lạc (phường Đông Giang, TP Đông Hà, Quảng Trị) đang “đội mưa” chăm sóc, tỉa cành để có được những chậu hoa đẹp mắt phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ông Nguyễn Văn Kiệt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Giang (TP Đông Hà, Quảng Trị) cho biết, An Lạc là tên gọi cũ của một làng ở phường Đông Giang. Hiện nay, dù được phân chia và hình thành các khu phố mới; đồng thời, Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc cũng đã được thành lập, tuy nhiên, theo thói quen cũ, người dân vẫn quen gọi nơi đây là làng An Lạc hoặc làng hoa An Lạc.
Làng hoa An Lạc nằm nép mình bên bờ Bắc sông Hiếu Giang và trải dài qua khu phố 1, khu phố 3 (phường Đông Giang). Với 20 hộ tham gia trồng các loại cúc vàng, cúc mâm xôi... diện tích khoảng 5 ha (2 ha trồng hoa tập trung trong nhà màng, nhà lưới; 3 ha trồng trên đất vườn nhà) và có khả năng cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn chậu hoa mỗi năm, An Lạc được xem là “vựa” hoa Tết của tỉnh Quảng Trị.
Bà Phan Thị Hiếu (58 tuổi, trú phường Đông Giang) cho biết, năm nay gia đình bà sản xuất được hơn 500 chậu cúc vàng để phục vụ người dân trong dịp Tết. Cùng với đó, để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người dân, năm nay, vườn hoa nhà bà còn trồng thêm cúc mâm xôi, hoa hồng, hoa đồng tiền…
Ông Trịnh Đức Quang (40 tuổi, trú ở Đông Giang) chia sẻ, thời tiết của vụ hoa Tết năm nay hết sức thuận lợi. Đến thời điểm này, ông Quang cũng như các nhà vườn đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng để tạo dáng cho từng chậu hoa và chờ thương lái, người dân đến mua về trưng trong dịp Tết Nguyên đán.
“Phải tỉa bớt các nụ nhỏ để chất dinh dưỡng tập trung giúp cho nụ chính nở to, căng tràn sức sống hơn. Việc tỉa bớt nụ nhỏ còn giúp chậu hoa có điểm nhấn hơn, đẹp mắt hơn”, bà Hiếu chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc các chậu hoa Tết.
Để có được những chậu hoa đẹp mắt, theo anh Trần Nhật Viện (29 tuổi, trú phường Đông Giang), vào thời điểm cây hoa còn nhỏ, người trồng sẽ thắp bóng điện ở vườn vào ban đêm để cây vươn cao hơn. Khoảng 1 tháng cuối trước Tết Nguyên đán, chủ vườn sẽ không bật bóng điện nữa để cây tập trung ra nụ.
Theo quan sát, các vườn hoa ở làng hoa An Lạc, chủ vườn thường trồng cúc vàng trong các chậu có đường kính 20 cm, 40 cm... và căn cứ vào diện tích này để có mức giá khác nhau giao động từ 200.000 - 1.500.000/chậu.
Đúc rút từ nhiều năm trồng hoa Tết, ông Quang cho hay, những chậu hoa cúc vàng có đường kính 40 - 60 cm được người dân ưa chuộng nhất. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị sẽ đặt hàng những chậu “khủng”, trong đó, có chậu đường kính lên đến 1 m.
Các chủ vườn hoa ở An Lạc cho hay, về hình thức, sản lượng vụ hoa Tết năm nay được mùa, hoa nở đúng dịp và chỉ chờ thương lái đến thu mua. “Mọi năm, đầu tháng 12 âm lịch thương lái đã về đặt mua hết rồi. Năm nay có vẻ chậm hơn, đến rằm (15/12 âm lịch - PV) rồi mà thương lái vẫn đến mua dè dặt lắm”, bà Hiếu cho hay.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Giang thông tin thêm, vụ hoa Tết năm nay, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc cung ứng ra thị trường khoảng 80.000 chậu (30.000 chậu hoa giống và 50.000 chậu phục vụ nhu cầu trưng bày dịp Tết Nguyên đán).
Cũng theo ông Kiệt, năm nay vẫn chưa có thống kê về năng suất, lợi nhuận từ việc trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Dẫu vậy, căn cứ những năm trước, thông thường, mỗi hộ trồng hoa có thể thu lời khoảng 70 - 80 triệu đồng/vụ. Cùng với đó, dịp này, các nhà vườn cũng tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động thời vụ khác với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng.
“Tôi 72 tuổi rồi. Mấy năm nay cứ đến dịp cuối năm tôi lại được họ thuê vót thanh tre để cắm vào các chậu hoa với tiền công 250.000 đồng/ngày”, cụ ông Trần Minh Dương trú phường Đông Giang cho hay.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận việc người dân An Lạc chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023: