Khi doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Các 'ông lớn' có bắt tay làm giá?
Bộ Công thương đề xuất trong nội dung sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến là doanh nghiệp (DN) có thể tự định giá bán lẻ, cơ quan quản lý chỉ công bố giá cơ sở của mặt hàng này. Trong khi DN cho rằng đây là biện pháp hợp lý thì người dân và giới chuyên gia đều lo lắng, nếu trao quyền quá nhiều cho DN sẽ đẩy khó về người dân.
Không can thiệp nhiều về hành chính
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, Bộ Công thương đưa ra phương án điều hành giá: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các DN căn cứ các chi phí thực tế của mình, gồm: các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của DN mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Theo Bộ Công thương, phương án này sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các DN trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Có thể thấy rằng thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có những biến động được đánh giá là rất bất thường, hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tại một số địa bàn và các khó khăn của DN kinh doanh xăng dầu trở nên phổ biến. Cộng đồng DN cho rằng, có rất nhiều giai đoạn DN bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải “chịu” bán nhưng không ai bù lỗ.
Tại buổi làm việc với TPHCM ngày 27/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nói rằng xăng dầu thiếu cục bộ là do giá chưa đúng quy luật thị trường, vì vậy việc điều hành không thể bằng biện pháp hành chính.
Còn theo một số đại biểu Quốc hội để có một thị trường kinh doanh xăng dầu hoạt động tốt cần có một đề án khoa học nghiên cứu rõ ràng. Khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024 đề án này nên được áp dụng, cho cả cấp quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người tiêu dùng. Chúng ta cần làm quen dần với cơ chế thị trường đúng nghĩa của nó. Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, nghĩa là điều chỉnh thuế và phí đánh lên xăng dầu. Thậm chí Nhà nước có thể dùng ngân sách bù lỗ cho các DN bán lẻ xăng dầu trong tình huống khủng hoảng cung ngắn hạn, như đã từng hỗ trợ lãi suất cho một số lĩnh vực. Bài toán tăng khối lượng dự trữ quốc gia về xăng dầu theo Luật Dự trữ quốc gia cũng cần được tính đến.
Lo ngại DN thao túng giá?
Trong khi đó, ở vị trí là người dân, chị Mỹ Hạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu vấn đề: Khi DN được tự tính các chi phí để đưa vào giá bán và quyết giá bán thì ai đảm bảo các chi phí DN đưa ra là sát thực tế khi mà người dân mua hàng xưa nay toàn ở thế bị động, DN và cơ quan quản lý đưa ra thông tin gì, biết thông tin đó. Nay để DN tự tính toán các chi phí thì chắc chắn DN chỉ có bảo vệ lợi ích của mình mà quên đi quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong khi đó, giới chuyên gia phân tích, thị trường xăng dầu tuy tồn tại 36 đầu mối nhưng chỉ có một DN thường xuyên chi phối trên dưới một nửa thị trường nên không có tính cạnh tranh. Khi trao quyền cho DN được tự quyết giá thì dễ có hiện tượng thương nhân nhỏ nhìn và làm theo "ông lớn", từ đó vô tình hoặc cố ý dẫn đến việc nhóm DN bắt tay với nhau để làm giá.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, nguyên Giám đốc sở Thương mại Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho rằng các đơn vị như nhập khẩu, bán buôn bán lẻ, cả nhà máy lọc dầu... cũng như chính DN bán lẻ đều phải tự chủ trong kinh doanh, tự quyết định việc điều chỉnh giá theo thị trường, họ sẽ biết cách tính toán chi phí cho từng giọt xăng dầu của mình.
Ông Phú cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng cần có một đề án khoa học nghiên cứu về đổi mới thị trưởng xăng dầu, vì rằng “chúng ta cần làm quen dần với cơ chế thị trường đúng nghĩa của nó”.
Vẫn theo ông Phú, không chỉ với xăng dầu, bất kỳ mặt hàng nào mà khâu trung gian quá nhiều thì đều ảnh hưởng đến giá bán ra, thiệt hại cho người tiêu dùng. Trung gian càng nhiều, giá bán càng cao. Ví dụ hàng vào siêu thị, chiết khấu lên đến 20-30%, bên cạnh đó là khâu thu mua, thương lái… khiến giá bó rau tại ruộng 5.000 đồng, vào đến siêu thị lên 20.000 đồng.
Thị trường xăng dầu muốn bình ổn, phải giảm các đầu mối về nhập khẩu, thương nhân bán buôn, phân phối. Ở các nước chỉ có 5 đầu mối bán buôn, trong khi ở Việt Nam có đến 38 DN nhập khẩu, sau đó lại qua hơn 300 thương nhân phân phối, rồi đại lý tổng.
“Tôi đề nghị cần cắt bỏ khâu trung gian để giảm chi phí” - ông Phú nói và cho rằng cần để DN nhập khẩu, bán lẻ cạnh tranh và tự quyết định giá theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”, chiết khấu tự thoả thuận. Nhà nước chỉ quản lý khâu chất lượng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cũng chỉ có khung giá cần thiết khi có biến động đột biến. Xóa bỏ điều chỉnh chu kỳ xăng dầu (hiện 10 ngày điều chỉnh 1 lần).
Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc sở Thương mại Hà Nội, để hoàn thiện thị trường kinh doanh xăng dầu cần làm từ từ từng bước một, không vội vàng, sau 1 -2 năm thị trường xăng dầu vào đúng guồng và vận hành trơn tru. Vẫn theo ông Phú, gỡ nút thắt thị trường xăng dầu cũng chính là xây dựng chuỗi cung ứng xăng dầu dựa trên sự cạnh tranh bình đẳng. DN tự chủ kinh doanh, tự quyết lãi lỗ của mình và bỏ độc quyền trong cơ chế xin cho.