Nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu

Lê Bảo 10/01/2023 07:21

Cùng với sầu riêng, năm 2023 sẽ có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở ra kỳ vọng tăng trưởng mạnh với thị trường 1,4 tỷ dân.

Dự kiến năm 2023 Việt Nam sẽ xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc.

Tổ yến rộng cửa

Sau gần 4 năm đàm phán, Việt Nam đã ký được Nghị định thư xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến năm 2023 sẽ xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường tiềm năng này. Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, Cục Thú y đang chủ động, tích cực trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm tổ yến; việc xuất khẩu tổ yến của Việt Nam chỉ có thể thực hiện được khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.

Cũng theo ông Long, để chuẩn bị kỹ các điều kiện, nội dung và có thể xuất khẩu được tổ yến ngay khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu, Cục Thú y đưa ra quy trình 7 bước dành cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng này. Các DN và địa phương bên cạnh việc tuân thủ Nghị định thư, văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cần thực hiện theo quy trình đó.

“Trong năm 2023, Cục Thú y sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung hướng dẫn cụ thể cho các DN xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Hiện đã có 5 DN gửi hồ sơ đề nghị các cơ quan Thú y, Chăn nuôi để thúc đẩy việc đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Với những giải pháp này kỳ vọng năm 2023, Việt Nam sẽ có lô hàng sản phẩm tổ yến đầu tiên xuất khẩu sang thị trường đông dân này” - ông Long nói.

Triển vọng lớn cho xuất khẩu nông sản

Cùng với tổ yến, để đón đầu cơ hội khi Trung Quốc mở cửa biên giới vào ngày 8/1/2023, các địa phương, bộ, ngành đang tích cực triển khai nhiều phương án về hạ tầng, nhân lực... sẵn sàng nối lại hoạt động giao thương nhằm đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, giúp DN tiết giảm chi phí.

Là một trong những DN xuất khẩu quả thanh long sang Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát Nguyễn Công Kính chia sẻ, thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Chính vì vậy, khi Trung Quốc dỡ bỏ cách ly sẽ giúp việc thông quan hàng hóa nhanh hơn, từ đó tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Từ tháng 1/2023 lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng 25 - 30%. Khi tình hình thị trường phục hồi, dự báo giá thanh long xuất khẩu tăng lên và dần đi vào ổn định” - ông Kính kỳ vọng.

Sầu riêng cũng là mặt hàng dự báo thu về tỷ USD trong năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa. Theo các nhà vườn, hiện giá sầu Ri6 được thu mua ở mức trên 80.000 đồng/kg, sầu Monthong 95.000-100.000 đồng/kg. Còn sầu riêng loại 2 và 3 cũng được thu mua ở 50.000 đồng/kg. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Mỗi năm quốc gia này chi vài tỷ USD để nhập khẩu trái sầu riêng. Từ tháng 9/2022 đến nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc tăng kỷ lục. "Sản lượng sầu riêng tại Việt Nam hiện lên tới trên 1 triệu tấn. Nếu chúng ta làm tốt khâu vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng ổn định thì năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này có thể thu về hơn 1 tỷ USD" - ông Nguyên khẳng định.

Tính tới nay, Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Cục Bảo vệ thực vật dự báo con số đó sẽ tiếp tục tăng, bởi 300 mã khác đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện thủ tục, chờ cấp phép.

Thời điểm này, các địa phương có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc đã sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu. Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai Vương Trinh Quốc, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, ngành chuẩn bị tốt lực lượng, điều kiện kho bãi, đỗ xe; thực hiện hậu cần logistics để hàng hóa thông quan thuận lợi nhanh chóng.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2019 là 180 tấn, năm 2020 là 220 tấn và năm 2021 khoảng hơn 300 tấn. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng.

Lê Bảo