Tây Nam bộ: Liên kết, 'làm mới' để đón khách du xuân

Đoàn Xá 10/01/2023 07:19

Dự báo lượng du khách sẽ tăng mạnh dịp tết Nguyên đán, nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo để đón khách. Nhiều tỉnh, thành chọn cách liên kết, tạo sự đa dạng lịch trình cho hành khách dịp đầu xuân.

Các tỉnh miền Tây sẽ liên kết đón khách du lịch.

Hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang lâu nay thường xoay quanh các lợi thế ở cù lao nằm giữa sông Tiền (như cù lao Thới Sơn, Phụng...) cùng những vườn cây ăn trái, nhà vườn khác. Tuy nhiên, tới nay những dịch vụ này gần như bão hòa, trở thành quen thuộc nên không thu hút được du khách. Vì vậy, một số doanh nghiệp du lịch đã chọn cách làm mới bằng việc gắn thêm các địa điểm khác ở miền Tây Nam bộ nhằm mang đến sự thích thú cho du khách.

“Tết Nguyên đán Quý Mão này công ty dự kiến sẽ đón khoảng 20 đoàn khách, chủ yếu ở Tây Nguyên và ngoài Hà Nội vào tham quan các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện chúng tôi đã thiết kế các tour khoảng 3 đến 5 ngày bằng cách xâu chuỗi nhiều địa phương” - anh Minh Tiến, 41 tuổi, nhân viên hướng dẫn viên du lịch ở TPHCM cho biết. Theo đó, các tour ghép này thường là từ 3 đến 6 tỉnh thành phố có vị trí gần nhau, dễ dàng di chuyển và tạo sự mới mẻ, hứng khởi cho khách.

Với khoảng từ 6 đến 7 triệu lượt khách du lịch mỗi năm (trừ 2 năm có dịch Covid-19), hầu hết hành khách đều xuất phát từ TPHCM hoặc tới sân bay Tân Sơn Nhất trước khi hành trình khám phá cuộc sống, cảnh quan sông nước miền Tây. Hiện nay, hầu hết các hãng lữ hành lớn cũng nắm bắt nhu cầu đa dạng, cần tới nhiều địa điểm của khách nên thiết kế các tuyến trục du lịch từ TPHCM đi nhiều tỉnh miền Tây. Trong đó trục khám phá cụm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng với lộ trình chừng 200 km, nhiều điểm đến đa dạng, khác lạ về văn hóa, phong tục và cảnh quan, có chi phí thấp, giá thành hợp lý nhất. Trong khi đó trục khám phá các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang với lộ trình khoảng 300km là tuyến thu hút nhiều du khách nhất. Đây là lộ trình khám phá trọn vẹn những nét đặc trưng nhất của toàn bộ vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn.

Cuối cùng, trục liên kết giữa các tỉnh là Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau với lộ trình khoảng 500km cũng đang dần chiếm được sự quan tâm của du khách bởi hạ tầng đường bộ thay đổi nhiều, di chuyển thuận lợi hơn so với vài năm trước khiến trục du lịch này mang đến nhiều trải nghiệm lý thú.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực liên kết, chia thành từng vùng nhỏ có đặc điểm địa lý giống nhau để gắn kết, phát triển và bổ sung cho nhau nhằm khai thác tối đa lợi thế du lịch để phát triển kinh tế từng địa phương. Hiện nay nhiều tỉnh ở miền Tây Nam bộ đã coi du lịch là hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mang đến thu nhập ổn định cho người dân bên cạnh những lợi thế khác.

Được biết, ngoài nỗ lực từ các tỉnh thành, hiện nay sự phát triển nhanh chóng của hệ thống đường bộ cao tốc cũng giúp việc liên kết giữa các địa phương thêm dễ dàng. Hành khách chỉ mất khoảng 1-2 giờ đồng hồ để di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác khiến các tour du lịch gia tăng thêm nhiều điểm đến trong các lộ trình. Dù chưa thông dụng nhưng mạng lưới giao thông đường thủy cao tốc ở khu vực miền Tây Nam bộ kết nối với TPHCM cũng đang hình thành, dự kiến ra mắt các tuyến từ TPHCM đi Bến Tre, Tiền Giang hay Cần Thơ trong năm 2023 cũng sẽ giúp gia tăng đáng kể lượng khách du lịch trong khu vực.

Đoàn Xá