Điểm son hai kỳ họp bất thường
Chiều ngày 9/1/2023, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai. Trước đó 1 năm, ngày 11/1/2022, Quốc hội cũng hoàn thành kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Cả hai kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV đều đã quyết định những vấn đề lớn, cấp bách, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt hoan nghênh. Vậy, khi nào thì Quốc hội tổ chức họp thường và họp bất thường?
Về kỳ họp thường kỳ: Căn cứ Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về kỳ họp Quốc hội như sau: Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.
Về kỳ họp bất thường: Trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 71/2022/QH15 cũng quy định về kỳ họp Quốc hội như sau: Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường.
Như vậy, hai kỳ họp bất thường của Quốc hội căn cứ trên cơ sở Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và Nghị quyết 71/2022 của Quốc hội khóa XV.
Tại cả hai kỳ họp bất thường của Quốc hội, nhiều vấn đề quan trọng, hệ trọng của đất nước đã được quyết định. Tại kỳ họp bất thường thứ nhất (4,5 ngày, bế mạc ngày 11/1/2022), Quốc hội đã quyết định nhiều nội dung kỳ họp có ý nghĩa cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Trong đó nổi bật là: Cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ. Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch Covid-19; An sinh xã hội, lao động và việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Đầu tư dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Trong đó Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.950 tỷ đồng, với quy mô 729 km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau…
Tại kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV (4 ngày, bế mạc ngày 9/1/2023), Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương và một số bộ ngành.
Đặc biệt, về công tác nhân sự, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ với các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ông Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang.
Nhìn lại cả hai kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV, chỉ cách nhau 1 năm, cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội; đã không còn cảnh “xuân thu nhị kỳ” mà rất chủ động tổ chức họp nhằm sớm cho ý kiến, quyết định những việc cần làm ngay.
Triển khai các nghị quyết của Đảng, theo sát tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, các phiên họp thường kỳ và bất thường của Quốc hội luôn được cử tri và nhân dân trông đợi và tin tưởng. Cử tri và nhân dân đặt kỳ vọng vào các kỳ họp của Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách lớn, vừa mang tính chiến lược vừa giải quyết đòi hỏi cấp bách trước mắt. Trên thực tế, kỳ vọng ấy đã được Quốc hội đáp ứng, hết sức rõ ràng trong nhiệm kỳ khóa XV.