Thanh tra những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng

Bảo Thư 11/01/2023 07:37

Trong năm 2023 tập trung thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực - đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với ngành Thanh tra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Thanh tra Chính phủ mới đây.

Phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vi phạm trong lĩnh vực đất đai, ngày 8/4/2022.

Trong bối cảnh năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức hơn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực, toàn diện hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng Thanh tra Chính phủ và toàn ngành cần lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng những khâu, lĩnh vực để xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

"Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra"- Phó Thủ tướng yêu cầu và đề nghị toàn ngành thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo quy định của Luật PCTN. Trong đó, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về PCTN nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực. Trước hết là sự gương mẫu, quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra các cấp.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2022, toàn ngành đã triển khai hơn 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 85.998 tỷ đồng; 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 26.654 tỷ đồng và 574 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính hơn 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 441 vụ việc, 295 đối tượng.

Tuy nhiên, trong tổng số 430.000 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ báo cáo có 10.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực. Trong kỳ báo cáo đã có 39 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 36 người.

"Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện là 116 vụ việc, 153 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 41 vụ, 22 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 50 vụ, 86 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 25 vụ, 45 người liên quan đến tham nhũng" – thông tin từ Thanh tra Chính phủ.

Trong một diễn biến khác liên quan, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ký văn bản phát động phong trào thi đua năm 2023 với chủ đề "Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả". Trong đó yêu cầu kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

"Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận có nhiều ý kiến: Như các dự án theo hình thức BOT, BT; dự án hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ" - ông Huẩn nêu rõ.

Đáng chú ý, năm 2023, sẽ thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

Theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an, trong năm 2022, toàn lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện hơn 400 cuộc thanh tra, với hơn 4.000 kiến nghị, đề xuất; tham mưu hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật và ban hành 5 thông tư, 17 quy trình công tác về thanh tra trong ngành; tiếp trên 14.000 lượt công dân, tiếp nhận xử lý trên 36.000 đơn thư các loại; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công an các cấp đạt 92%, cao hơn 7% so với chỉ tiêu được giao.

Bảo Thư