Môn học tự chọn, gỡ vẫn vướng
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông (THPT) nhằm phần nào “gỡ vướng” cho các nhà trường, phụ huynh và học sinh khi người học có nguyện vọng chuyển trường hoặc chuyển đổi tổ hợp môn tự chọn.
Nhà trường lúng túng
Một trong những điểm mới khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở cấp THPT so với chương trình 2006 đó là việc học sinh được lựa chọn môn học theo các tổ hợp nhà trường định sẵn. Bên cạnh những lợi ích và ý nghĩa khi học sinh được học những môn mình thích, phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực… thì một bất cập đã được nhiều chuyên gia chỉ ra ngay từ khi thiết kế chương trình, đó là việc học sinh muốn thay đổi tổ hợp trong quá trình học hoặc chuyển từ địa phương này sang địa phương khác.
Thời điểm này khi học kỳ I chuẩn bị kết thúc, nhiều nhà trường cho biết đã nhận được đơn xin thay đổi môn học tự chọn của học sinh với nhiều lý do như không phù hợp, không theo được… Một số gia đình có nguyện vọng xin chuyển trường cho con do bố mẹ thay đổi công việc, chỗ ở… nên muốn con chuyển về gần nhà mới hơn. Trăm nghìn lý do và mong muốn của phụ huynh, học sinh đang gặp phải rào cản khi các nhà trường cũng không biết phải giải quyết ra sao với đơn xin thay đổi môn học tự chọn.
Bùi Minh An, học sinh lớp 10 của một trường THPT ở Long Biên, Hà Nội cho biết, em thay đổi định hướng học khối A sang khối D do sau 1 học kỳ thấy kiến thức khoa học tự nhiên quá khó với bản thân. Bố mẹ e đã ký đơn xin đổi nguyện vọng theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm song theo tư vấn của nhà trường, có lẽ phải để sang năm lớp 11 chuyển đổi sẽ thuận tiện hơn vì có thời gian hè để học bù kiến thức.
Ở năm đầu tiên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường cũng lường hết các tình huống học sinh “chọn đại” tổ hợp để đăng ký nên đã có những buổi tư vấn chuyên sâu, thậm chí mời cả chuyên gia đến để trao đổi với các bậc phụ huynh làm sao việc lựa chọn là phù hợp nhất. Tuy nhiên, đến nay vẫn có những trường hợp học sinh muốn chuyển ngang.
Có hướng dẫn vẫn khó triển khai
Trước tình hình thực tế khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT. Theo đó, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.
Đối với học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Về phía nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Với hướng dẫn này, khi học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học, hiệu trưởng nhà trường là người sẽ quyết định có đồng ý cho các em chuyển đổi hay không, thời gian chuyển đổi khi nào là phù hợp. Đi kèm theo đó là việc sắp xếp thầy cô giáo phụ đạo cho học sinh kiến thức còn thiếu, kiểm tra đánh giá cho đủ đầu điểm. Song song với đó, các em học sinh vẫn học trên lớp kiến thức mới của học kỳ 2 - đây là việc không dễ theo đánh giá của nhiều giáo viên.
Bà Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hiện các giáo viên của trường đang dạy học bổ sung, kiểm tra thêm hàng chục đầu điểm cho học sinh có nhu cầu đổi môn lựa chọn Vật lý sang môn học khác. Việc bồi dưỡng, kèm cặp cho học sinh này sẽ phải thực hiện ngoài giờ học và kéo dài hết năm học lớp 10. Nếu học sinh vẫn có nhu cầu và thực hiện đủ đầu điểm theo kế hoạch chương trình thì nhà trường sẽ bố trí đổi môn tự chọn cho học sinh này từ lớp 11.
Từ thực tế này cho thấy, để chuyển đổi môn học tự chọn trong cùng một trường hay giữa các nhà trường là việc không đơn giản nên công tác tư vấn cho học sinh, phụ huynh ngay từ khi bắt đầu đăng ký tổ hợp lớp 10 cần thực hiện thật kỹ lưỡng, cẩn trọng. Nhiều trường cho học sinh học “nháp” 2 tuần đầu sau đó mới chính thức chốt tổ hợp, đây cũng là cách làm hay để học sinh có thể hình dung chính xác về môn học, tránh việc học cả kỳ rồi mới thấy không phù hợp.
Với những trường hợp học sinh vì lý do phải chuyển trường, việc tiếp nhận của các nhà trường đa số còn khá lúng túng do rất ít trường có tổ hợp trùng khớp nhau hoàn toàn. Dù không khuyến khích nhưng nếu đây là nguyện vọng chính đáng của học sinh và gia đình thì các nhà trường vẫn cần có sự linh hoạt sắp xếp, học sinh phối hợp để hoàn thành việc học bổ sung kiến thức để các em theo kịp chương trình.
Theo công văn hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa được Bộ GDĐT ban hành, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.