Huế trong dòng chảy thời gian

Trịnh Thị Hạnh 11/01/2023 07:50

Cố đô Huế là đô thị di sản, là thành phố Fesstival của Việt Nam. Trong dòng chảy thời gian, theo đà phát triển hiện đại nhưng Huế vẫn nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa trước những vấn đề mới phát sinh.

Ca Huế trên sông Hương.

Định hướng quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 5 nội dung đột phá để phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh. Trong đó, thành phố Huế là hạt nhân của quy hoạch này.

Khu vực nội thành Huế với diện tích hơn 1.086 km2. Đây là khu vực “lõi”. Theo quy hoạch, TP Huế hiện tại sẽ được tách thành 2 quận, là vùng di sản và phát triển trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.

Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận thì không xem xét tiêu chí mật độ dân số. Đồng thời, các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị của tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng, và mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng...

Tái hiện màn múa “Lục cúng hoa đăng”.

Góp ý cho vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị khi Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho rằng cần quy hoạch để Huế ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn. Nhưng việc quy hoạch không được bỏ qua lịch sử và các yếu tố văn hóa truyền thống. Quy hoạch cho Huế cần thực hiện 2 chiều, một mặt là tiến tới sự phát triển tốt đẹp cho tương lai, một mặt cần bảo vệ di sản, quá khứ tốt đẹp của mình.

“Chúng ta đã từng để thất truyền trên mảnh đất Huế này không biết bao nhiêu “của cải”, do đó phải nghiêm túc trong bảo vệ truyền thống các giá trị của lịch sử. Huế luôn luôn mới nhưng Huế phải là chính Huế”- ông Điềm nói.

Còn nói như kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì trong quy hoạch, phát triển phải chọn đặc thù của Huế. Đó là văn hóa, là thế mạnh mà khó địa phương nào có được. Nếu làm không khéo thì dễ có thể là cạnh tranh với Đà Nẵng, đó là điều không cần thiết mà mất đi sự phát triển của Huế.

Đến nay, Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Nhìn tổng thể là vậy, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng phát triển thành phố Huế theo hướng nào đi chăng nữa thì cũng rất cần lưu ý đến những giá trị văn hóa khó nhận biết được bảo tồn trong chính đời sống thường nhật của người dân. Người ta hay nói đến nét Huế, dáng Huế là vậy.

Dẫn chứng, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Trúc Quân nhấn mạnh đến hệ thống nhà rường Huế, mà ông cho là đang biến mất trước những cao ốc hiện đại. Cùng với cung điện, đền đài, lăng tẩm… thì nhà rường Huế hết sức đặc sắc.

Rường là một cách gọi rút ngắn của rường cột. Nhà rường có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên rất quy chuẩn. Thông thường nhà cấu trúc theo mô hình chữ đinh, chữ công, chữ khẩu, nội công ngoại quốc, với nhiều chốt và mộng gỗ. Điều này có thế giúp dễ dàng lắp ghép hoặc tháo dỡ, đây là một điểm nổi bật của nhà rường.

Dưới thời vua Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) một đạo luật được ban hành khi xây dựng nhà. Nhà vua quy định những ngôi nhà xây bên ngoài Đại Nội không được vượt 3 gian 2 chái. Do đó, những ngôi nhà rường Huế được xây dựng từ xưa thường nhỏ. Sau đó thì đạo luật này được xóa bỏ thay bằng việc không được xây nhà cao hơn cung điện. Bắt đầu từ đó các ngôi nhà rường có độ dốc mái lớn và độ cao thấp.

Thông thường, một ngôi nhà rường Huế được thiết kế 3 gian 2 chái với trung bình 56 cột.

Thật đáng tiếc, đến nay những ngôi nhà ấy cũng không còn nhiều ở Huế. Và người ta nghĩ rằng, nếu như cung điện, lăng tẩm, đền đài… của các bậc vua chúa, giới quý tộc được tu bổ, vinh danh thì cũng rất cần đầu tư phục dựng những ngôi nhà rường đã bao đời chở che người dân xứ Huế.

Quần thể lăng vua Gia Long (1762-1820), vừa hoàn thành trùng tu sau 3 năm. Quần thể lăng vua Gia Long tọa lạc tại thôn Định Môn, xã Hương Thọ, TP Huế là nơi yên nghỉ của vua Gia Long cùng hai hoàng hậu và một số thành viên trong hoàng tộc triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1814, đến năm 1820 mới hoàn tất. Năm 2020, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bắt đầu tu bổ quần thể di tích lăng vua Gia Long với kinh phí hơn 40 tỷ đồng.

Tuy vẫn còn một số công trình cần tiếp tục hoàn chỉnh, nhưng quần thể lăng vua Gia Long đã mở cửa đón khách tham quan.

Trịnh Thị Hạnh