Cúng ông Công ông Táo như thế nào?

K.Huyền (tổng hợp) 12/01/2023 10:47

Không nên cúng muộn hơn 12h trưa vì theo quan niệm giờ Ngọ là giờ ông Công ông Táo sẽ bay về trời. Tuyệt đối không được cúng sau ngày 23 tháng Chạp.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: SKĐS.

Theo truyền thống dân gian Việt Nam, ngày Tết ông Công ông Táo là ngày 23 tháng chạp hằng năm (tức ngày 23/12 Âm lịch).

Năm nay ngày ông Công ông Táo (23 tháng 12 âm lịch) vào thứ Bảy ngày 14/1/2023 dương lịch, đúng tiết tiểu hàn.

Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày, tùy vào điều kiện từng gia đình.

Tuy nhiên, theo truyền thống người Việt, thời điểm cúng ông Công ông Táo đẹp nhất năm nay là vào khoảng 7h sáng đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Không nên cúng muộn hơn 12h trưa vì theo quan niệm giờ Ngọ là giờ ông Công ông Táo sẽ bay về trời. Tuyệt đối không được cúng sau ngày 23.

Dưới đây là những ngày đẹp có thể tham khảo:

Ngày 18 tháng Chạp (9/1/2023 dương lịch): Tức thứ Hai, ngày Đinh Mão, là ngày Hoàng Đạo. Các khung giờ đẹp gồm: Tí (23h-1h); Dần (3h-5h); Mão (5h-7h); Ngọ (11h-13h); Mùi (13h-15h); Dậu (17h-19h).

Ngày 20 tháng Chạp (11/1/2023 dương lịch): Tức thứ Tư, ngày Kỷ Tỵ, là ngày Hoàng đạo Ngọc Đường. Các khung giờ đẹp gồm: Sửu (1h-3h); Thìn (7h-9h); Ngọ (11h-13h); Mùi (13h-15h); Tuất (19h-21h); Hợi (21h-23h). Trong đó, giờ Ngọ ngày 20 tháng Chạp là giờ Tốc hỷ, khung giờ đẹp để cúng Táo quân, hứa hẹn cả năm mới gặp nhiều may mắn, dữ hóa lành.

Ngày 23 tháng Chạp (14/1/2023 dương lịch):Tức thứ Bảy, ngày Nhâm Thân, Hoàng Đạo Tư Mệnh. Các khung giờ tốt gồm: Thìn (7h-9h), Tị (9h-11h). Trong ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần, giờ Thìn là giờ Tốc hỷ, rất thích hợp để tiến hành nghi lễ cúng tiễn ông Táo về trời.

Tết ông Công ông Táo cúng gì tốt nhất?

Mâm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người Việt như: Xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu hoặc canh măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng.

Nơi làm lễ cúng có thể là bàn thờ gia tiên chứ không nhất thiết phải lập thêm bàn thờ Táo quân.

Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Quan niệm của người dân, cá chép vàng phải mua ba con. Cúng cá chép để hóa rồng và trở thành phương tiện để các vị Táo Quân lên chầu trời.

Ngoài ra, trong buổi lễ gia chủ phải chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó có đồ dành cho 2 vị thần nam, 1 vị thần nữ. Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, khi hết tuần hương, gia đình có thể lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao, hồ, sông, suối...

Tại miền Trung, các gia đình thường cúng ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Người miền Nam thì gia chủ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Bài cúng ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Dưới đây là bài cúng ông Công ông Táo (văn khấn ông Công ông Táo) theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin để bạn đọc tham khảo.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: …

Ngụ tại: …

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

K.Huyền (tổng hợp)