Nâng chất hoạt động trải nghiệm

Thu Hương 12/01/2023 09:49

Sau 3 năm triển khai hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học, THCS và trải nghiệm - hướng nghiệp ở cấp THPT vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra để hoạt động này thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) với hoạt động trải nghiệm.

Em Phan Thanh Thủy, học sinh lớp 7A5 Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhà trường vừa tổ chức “Ngày hội Văn hóa dân gian”. Em và các bạn tự mình chuẩn bị nhiều tiết mục cho ngày hội và tham gia các hoạt động khác nhau, qua đó có được trải nghiệm thực tế về văn hóa dân tộc. Đây cũng là một dịp về nguồn, tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng, đa dạng của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Thông qua các hoạt động này, các em thêm sáng tạo, gắn kết với nhau.

Trên thực tế, hoạt động trải nghiệm có tư cách là một môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với tên gọi hoạt động Trải nghiệm ở cấp học tiểu học, THCS và Trải nghiệm - hướng nghiệp ở cấp THPT. Đến nay đã trải qua 3 năm triển khai, mỗi trường học, mỗi giáo viên lại có các phương pháp riêng để tổ chức hoạt động này.

Lấy ý tưởng từ việc dì ghẻ của Tấm trong câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” bắt Tấm nhặt riêng thóc, gạo rồi mới cho Tấm đi dự hội, cô giáo Lê Thu Trang - Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức cho học sinh tham gia một hoạt động trải nghiệm trong giờ sinh hoạt lớp. Cô Trang trộn lẫn 4 loại hạt đỗ vào một rổ, rồi giao nhiệm vụ cho học sinh nhặt và phân loại riêng 4 loại đỗ đó vào 4 vỏ hộp sữa chua đã qua sử dụng. Các em được làm việc theo nhóm và tự phân chia nhau sao cho nhặt được nhiều nhất trong thời gian quy định để giành được giải thưởng “Cô Tấm”. Học sinh vô cùng hào hứng tham gia hoạt động này và đã sáng tạo ra những cách nhặt để phân loại riêng từng loại đỗ vào vỏ hộp sữa chua rất thông minh.

“Hoạt động này đã giúp gắn kết các em lại với nhau, rèn cho các bạn tính kiên trì, tập trung, biết cộng tác, biết sáng tạo ra cách nhặt đỗ sao cho nhanh và chính xác nhất” - cô Trang nói và cho rằng việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm ngay tại lớp sẽ tăng tính tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, giúp cho việc đến trường luôn là một điều đầy lí thú, mới mẻ với từng bạn nhỏ.

Như vậy, không chỉ là các hoạt động có thu phí hay những hoạt động lớn, ngay tại mỗi lớp học, cô và trò đều có thể tổ chức những tiết hoạt động trải nghiệm thú vị.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng Chủ biên chương trình Giáo dục trải nghiệm và trải nghiệm - hướng nghiệp, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, hiện nay hoạt động này đã có một chương trình với những yêu cầu cần đạt, bên cạnh đó là các bộ sách giáo khoa để hỗ trợ các nhà trường thực hiện tốt nhất chương trình. Tuy nhiên, mỗi một địa phương, nhà trường có những, hoàn cảnh riêng, đặc điểm đặc biệt riêng. Bởi vậy, việc triển khai hiệu quả sẽ được giao về từng nhà trường, lãnh đạo các cơ sở địa phương. Mục đích cuối cùng vẫn cần phải theo yêu cầu cần đạt.

Với riêng hoạt động trải nghiệm bằng hình thức tham quan, dã ngoại hay những hoạt động ngoài nhà trường, bà Thoa cho rằng để hoạt động này thực sự hướng vào mục đích giáo dục thay vì chỉ như một chuyến du lịch có đóng phí, cần có sự đầu tư rất nhiều về công sức, sự chuẩn bị nội dung, chương trình trước, trong và sau hoạt động cũng như kiểm soát toàn bộ chương trình.

Thu Hương