Xác nhận hai nữ sinh Đại học HUFLIT bị xâm hại là tin giả
Chiều 12/1, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (HUFLIT) và Trường Quân sự Quân khu 7 phối hợp tổ chức họp báo thông tin về tin đồn đang gây xôn xao dư luận liên quan đến hai nữ sinh viên trường HUFLIT bị xâm hại trong quá trình học giáo dục quốc phòng tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Quân sự Quân khu 7.
Tại buổi họp báo, đại diện Trường Quân sự Quân khu 7 cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 21 giờ 30 ngày 10/1/2023 có hai nữ sinh trường Đại học HUFLIT xảy ra tranh cãi trong quá trình sinh hoạt tập thể. Do không làm chủ được cảm xúc cá nhân, một nữ sinh đã la hét, khóc lóc. Ngay sau đó, cán bộ quản lý tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh đã giải quyết, không để xảy ra hậu quả. Thông tin sự việc cũng được Trung tâm này thông báo về cho gia đình của nữ sinh, đồng thời kịp thời động viên nữ sinh để ổn định tâm lý.
Thông tin cụ thể về việc tranh cãi giữa hai nữ sinh kể trên, Đại tá Chu Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 cho biết thêm, trước đó có xảy ra vụ một nữ sinh báo bị mất tiền. Nghi ngờ thủ phạm là một bạn sinh viên tên H. nên một số bạn nữ khác cố gắng hỏi về sự việc. Tuy nhiên, nữ sinh H. không nói gì mà xô cửa ra ngoài, khóc lóc, hét lớn và có biểu hiện bị kích động tâm lý.
"Sau khi nắm diễn biến vụ việc, Nhà trường đã kết nối, mời phụ huynh của nữ sinh H. lên để đưa về nhà chăm sóc”, Đại tá Chu Tiến Sơn thông tin tại buổi họp báo.
Cũng tại buổi họp báo, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học HUFLIT đã khẳng định, toàn bộ thông tin về việc "Hai nữ sinh trường Đại học HUFLIT bị xâm hại" được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua là thông tin hoàn toàn bịa đặt và là tin giả.
Đại diện trường này cũng khuyến cáo các sinh viên của trường không tiếp tục thông tin thêu dệt, bịa đặt sự việc để tránh ảnh hưởng đến những người liên quan. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho biết cũng đã nắm vụ việc và làm việc với những người liên quan để làm rõ ai là người chia sẻ, ai là người cắt ghép, bịa đặt các nội dung lan truyền sai sự thật trên mạng xã hội./.