Có nên giao bài tập dịp nghỉ Tết?

Lâm An 13/01/2023 07:32

Những năm gần đây việc giáo viên giao bài tập làm trong dịp nghỉ Tết cho học sinh đã không còn phổ biến, thay vào đó là những “nhiệm vụ” gần gũi với cuộc sống hơn.

Một số trường học quán triệt không giao bài tập cho học sinh dịp Tết. Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến trái chiều

Lê Ngọc Hương, học sinh lớp 12 Trường THPT Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết em và các bạn trong lớp đều đang háo hức chờ đón kỳ nghỉ Tết cuối cùng của thời học sinh. “Năm cuối cấp nên em xác định dù giáo viên có giao bài Tết hay không thì vẫn sẽ dành thời gian khoảng 2 tiếng mỗi ngày để ôn đề và luyện ngoại ngữ. Em đã đăng ký tháng 2 thi chứng chỉ IELTS và không muốn phải thi lại nhiều lần tốn kém nên sẽ cố gắng ôn tập, luyện các kỹ năng còn yếu” - Hương chia sẻ.

Dẫu vậy, với nhiều học sinh khác nỗi ám ảnh mang tên bài tập Tết vẫn luôn hiện hữu vì nhiều thầy cô quan niệm “vui xuân không quên nhiệm vụ”. Thậm chí, nhiều phụ huynh cũng đề nghị giáo viên giao phiếu bài tập để, các bộ đề để học sinh làm, tránh việc suốt ngày rảnh rỗi xem tivi, chơi điện thoại… Bởi từ lâu, việc giao bài tập tết đã phổ biến với nhiều giáo viên và các thế hệ học sinh. Trong xu hướng mới, quan niệm có khác đi thì việc giao bài tập tết cũng chưa thay đổi với nhiều người. Nhất là khi có những địa phương cho học sinh nghỉ Tết tới 2 tuần thì nhiều người lo trẻ sẽ rơi rụng kiến thức khi “văn không ôn, võ không luyện”.

Điều này cũng tương tự với quan điểm không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo những năm gần đây song thực tế thực hiện mỗi nơi mỗi khác. Trong cùng một trường, cùng một khối lớp vẫn có cô giao bài tập hàng ngày, có cô chỉ giao phiếu cuối tuần về làm, một số cô giáo chỉ yêu cầu học sinh hoàn thành bài trên lớp và không bao giờ có bài tập về nhà. Song nhiều phụ huynh vẫn tự mua thêm sách tham khảo, sách bài tập để con làm thêm, củng cố kiến thức.

Để học sinh được vui Tết

Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh chính thức nghỉ Tết. Một số trường đã quán triệt tinh thần không giao bài tập về nhà trong dịp này. Đơn cử Ban Giám hiệu Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM) phát đi thông báo đến toàn thể giáo viên trong trường: Để học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi đón Xuân Quý Mão 2023, đề nghị tất cả giáo viên nhà trường không giao bài cho học sinh dưới bất kỳ hình thức nào (bài tập, dự án, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập...) và bằng bất cứ phương tiện nào (trực tiếp, qua internet...) từ ngày 14/1 hết ngày 29/1. Các bài đã giao, giáo viên hướng dẫn học sinh hoàn tất thực hiện trước ngày 14/1. Nhắc nhở học sinh đón Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi.

Quan niệm này nhận được sự ủng hộ, phấn khởi của đa số học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Cô giáo Phan Thị Mai dạy cấp 2 ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, dù không giao bài tập, những em vốn tự giác thì vẫn sẽ dành thời gian ôn tập kiến thức còn những em chưa tự giác, bài tập nếu có giao sẽ dồn đến những ngày cuối cùng làm cấp tập, thậm chí đi sao chép… cũng chẳng còn đúng ý nghĩa, mục đích. Đó là chưa kể việc chữa bài, kiểm tra việc học trò làm bài tập hay không cũng tạo ra sự bất công với học trò khi có em làm bài cẩn thận, em chỉ làm đối phó…

Chia sẻ quan điểm này, cô giáo Nguyễn Thị Thúy (THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho biết, với cá nhân cô việc giao bài tập không nặng nề mà quan trọng là hiệu quả. Với môn ngoại ngữ, cô Thúy luôn khuyến khích học sinh nghe, xem các video người bản xứ trò chuyện qua mạng xã hội, tivi… Không cứ phải ngồi im trong phòng riêng nghe mà có thể vừa làm việc nhà, vừa đi du lịch, đi chơi cũng có thể nghe các nội dung này. Các kỹ năng khác, cô có thể giao bài tập theo dạng thuyết trình về món ăn ngày tết, các hoạt động của học sinh và gia đình… quay thành video và gửi cho cô. Cũng có thể chọn viết bài luận kể về một hoạt động em ấn tượng.

“Có nhiều cách giao bài tập không nặng nề, có thể áp dụng linh hoạt với từng lứa tuổi học sinh, làm sao góp phần để các em hiểu ý nghĩa của ngày Tết chính là dịp sum vầy, quây quần bên người thân, gia đình. Bài tập nếu có cũng nên phù hợp khiến học sinh không đến mức phải ám ảnh”- cô Thúy nói.

Theo ông Nguyễn Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM), học phải ra học, chơi ra chơi, nghỉ Tết phải ra nghỉ Tết. Bài tập Tết là rào cản tước mất niềm vui đón Xuân của các em.

Lâm An