Thị trường âm nhạc làm gì để tiếp tục bùng nổ?
Năm 2022 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của thị trường âm nhạc Việt Nam sau thời gian dài vì ảnh hưởng của Covid-19. Ở đó, ghi nhận dấu ấn của hàng loạt sản phẩm âm nhạc được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản, có nội dung lẫn hình thức ấn tượng. Tuy nhiên vẫn còn những “hạt sạn”, và điều đó có tái diễn trong năm 2023?
Giải thưởng và độ phủ sóng mạng xã hội
Nhìn lại làng ca nhạc năm 2022 với nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín, nổi bật là Giải Cống hiến với các đề cử Chương trình của năm, Album của năm, Nhà sản xuất của năm, Nhạc sĩ của năm, Bài hát của năm, Music video của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Nam ca sĩ của năm và Nữ ca sĩ của năm vừa khởi động vòng bình chọn, với hàng loạt gương mặt xuất sắc của làng âm nhạc Việt Nam. Trong đó, ở hạng mục MV của năm ghi nhận sự cạnh tranh đầy “gay cấn” giữa sản phẩm như 906090 (Mew Amazing, Tóc Tiên); Gieo quẻ (Khắc Hưng, Hoàng Thùy Linh, Đen); Một bước vô tình (Huy Tuấn, Hà Trần); Ngày đầu tiên (Khắc Hưng, Đức Phúc); Hope (Lê Vụ Viết Thịnh, Tùng Dương)… Hay mới đây giải thưởng Làn sóng xanh cũng đã vinh danh các ca sĩ Mỹ Tâm, Hoàng Thùy Linh, Trúc Nhân… bên cạnh những ca sĩ trẻ hứa hẹn khác. Theo ban tổ chức giải thưởng Làn sóng xanh, năm 2022 Bảng xếp hạng Làn sóng xanh cũng ghi nhận số lượng bài hát hàng tuần nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây với gần 120 ca khúc.
Cùng với các giải thưởng trong nước, âm nhạc Việt Nam năm qua cũng ghi nhân sự thăng tiến trên các nền tảng nghe nhạc của quốc tế như Youtube, iTunes, Apple Music… Trong đó, ghi dấu ấn lớn nhất là MV “Vì mẹ bắt anh chia tay” của Miu Lê và Karik tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 95 triệu lượt xem trên YouTube. Ngoài ra, bản hit này cũng này cũng được phủ sóng rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… Bên cạnh đó là “Waiting For You” của MONO với 75 triệu lượt xem, “Ngày đầu tiên” Đức Phúc 49 triệu lượt xem, “Bên trên tầng lầu” Tăng Duy Tân 45 triệu lượt xem…
Không chỉ các sản phẩm âm nhạc, năm 2022 cũng tạo nên “cơn bão” với sự bùng nổ của các sự kiện âm nhạc. Trong đó có “Tri âm” của Mỹ Tâm thu hút hơn 30 nghìn khán giả. Liveshow “Những vết thương lành” một lần nữa khẳng định sức ảnh hưởng của Hà Anh Tuấn, khi hết vé trong khoảng thời gian ngắn… Theo thống kê, trong năm có đến trên 20 đêm nhạc ở khắp mọi miền đất nước. Đó là chưa nói đến các chương trình nghệ thuật tại các tụ điểm lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt… và các chương trình dịp cuối năm 2022, đón mừng năm mới 2023.
Ngoài ra, sau nhiều năm chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc thất thế, “Ca sĩ mặt nạ” về Việt Nam và ngay lập tức chinh phục khán giả với những giọng ca thực lực. Thành công của gameshow này biến Ngọc Mai trở thành hiện tượng, trong khi đó diva Hà Trần có thêm một lượng lớn khán giả trẻ. Mùa thứ 2 lên sóng chương trình truyền hình thực tế “Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân” với tiêu chí mang âm nhạc chữa lành tâm hồn cũng tạo “cú nổ” trên mạng xã hội. Chương trình thu hút 3.000 khán giả theo dõi và hơn một triệu lượt xem cho tập đầu tiên. Không tạo hiệu ứng mạnh mẽ bằng mùa đầu nhưng một số ca khúc của mùa hai như: “Đôi bờ” (Trúc Nhân), “Bản tình ca đầu tiên” (Anh Tú), “Đến giờ cơm” (Ái Phương)... cũng thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.
Những hạt sạn đáng tiếc
Tuy nhiên, bên cạnh những “mảng màu” tích cực, âm nhạc Việt Nam trong năm qua cũng đã có những “lùm xùm”. MV “There is no one at all” với ca từ, hình ảnh tiêu cực đã khiến ca sĩ Sơn Tùng M-TP phải chịu án phạt 70 triệu đồng từ cơ quan chức năng đồng thời phải gỡ bỏ MV khỏi nền tảng YouTube. Hay vấn đề vi phạm bản quyền vẫn luôn là câu chuyện năm nào cũng tái diễn. Như vụ việc ACV Entertainment cảnh báo vi phạm bản quyền đối với ca khúc “Ai chung tình được mãi”, “Từng yêu”; Big Arts Entertainment cảnh báo vi phạm bản quyền đối với ca khúc “Bên trên tầng lầu”; HT Productions cảnh báo vi phạm bản quyền đối với 157 bài hit của Đan Trường...
Nhìn nhận thực trạng này, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ, nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc không sợ nhiều hay ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể. Khi tác phẩm bị vướng vào các quy định như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người làm sáng tạo.
Cũng theo nhạc sĩ, không có cách nhận định, phân loại để có chính sách hỗ trợ cho những tài năng để có thể phát triển, giới thiệu sản phẩm tới công chúng. Chúng ta cũng đang thiếu những người có khả năng phân tích, đánh giá một cách công tâm và cởi mở về sản phẩm âm nhạc mới để định hướng truyền thông. Thực tế hiện nay chúng ta cũng không phân loại hay định vị cho các không gian âm nhạc, nghệ thuật cho nên mọi thứ trở nên khó phân định cho khán giả.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, thay vì kiểm soát hay soi xét, nghệ sĩ cần được trao những trách nhiệm với cộng đồng, với khán giả và cả sự hợp tác với cơ quan quản lý thay vì lẩn tránh, gian dối hay đối đầu. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cấp phép, xét duyệt bằng văn bản, đi kèm là những cam kết và chế tài nghiêm khắc.