Kiểm soát chặt việc bán thuốc lá điện tử
Thực trạng thanh thiếu niên, đặc biệt là lứa tuổi học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng khiến phụ huynh băn khoăn. Làm thế nào để ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ? PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Trần Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
PV: Ông nhận định thế nào về trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ hiện nay?
Luật sư Trần Anh Tú: Thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: Có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son... Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện. Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn cùng những lời quảng cáo, như không gây hại, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn” và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Đáng nói, nếu như thuốc lá điếu gây nên mùi khó chịu và dễ phát hiện khi sử dụng thì thuốc lá điện tử lại ngược lại. Bên cạnh đó, việc giáo viên phát hiện ra học sinh sử dụng thuốc lá điện tử cũng khó khăn hơn so với thuốc lá truyền thống. Đây có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở phụ nữ và thanh thiếu niên có sự gia tăng lớn trong vài năm qua.
Dễ nhận thấy, với những hệ lụy nguy hiểm mà thuốc lá điện tử gây ra, đã đến lúc cần quản lý chặt chẽ hơn với thuốc lá điện tử. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Thực tế, thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử. Ngoài ra, gánh nặng “nghiện kép” khi người đang hút thuốc lá điếu thông thường sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá. Do đó, không nên cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gây nghiện, chưa có phương pháp cai nghiện riêng này, đồng thời không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Thay vào đó, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là trong trường học.
Hiện nay, Bộ Công thương được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Nghị định sửa đổi, bổ sung đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành. Qua nghiên cứu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bên cạnh phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, Bộ Công thương có thể bổ sung nội dung về quản lý thuốc lá thế hệ mới vào trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, đáp ứng nhu cầu quản lý.
Về vai trò và trách nhiệm của nhà trường, tôi cho rằng ngoài việc cần sớm có căn cứ pháp lý để kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá điện tử quanh trường học, mạng xã hội cần có tài liệu tập huấn, tuyên truyền, đồng thời, quán triệt không sử dụng thuốc lá trong trường học đối với cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình, biết cách phòng tránh, biết nói không trước những rủ rê, cám dỗ. Giáo viên cần quan tâm sâu sát tới tâm tư, hoàn cảnh, sự thay đổi của từng học sinh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình, tìm nguyên nhân cụ thể để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Cần ký cam kết giữa Ban giám hiệu với phụ huynh, học sinh ngay từ đầu năm học; tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức; thành lập lực lượng giám sát trường học; tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh; thành lập câu lạc bộ truyền thông do chính học sinh nhà trường phụ trách.
Trân trọng cảm ơn ông!