'Chân rết' bán lẻ đua nhau mở rộng

THANH GIANG 13/01/2023 07:25

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự phục hồi và tăng tốc trở lại. Kỳ vọng năm 2023, thị trường này sẽ có những bứt phá mới.

Bán lẻ nội từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Nhân rộng mô hình bán lẻ hiện đại

Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thông tin, kết quả khảo sát mới nhất về hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ cho thấy, 53,8% đơn vị đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch Covid-19. Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số DN cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ sang năm 2023 sẽ khả quan hơn nhiều.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, về dài hạn, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Sau 2 năm dịch bệnh, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart (Sai Gon Co.op) chia sẻ: “Saigon Co.op đã có gần 1.000 điểm bán trên toàn quốc. Là nhà bán lẻ có nhiều mô hình kinh doanh nhất cả nước, từ siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; từ kinh doanh tại điểm bán đến kinh doanh trực tuyến. Nhận thấy tiềm năng của thị trường sau dịch bệnh, MM Mega Marlet cho ra mắt dự án “Giá tốt”. Đây là mô hình hợp tác giữa đơn vị với các nhà đầu tư tư nhân có mong muốn sở hữu những cửa hàng tiện ích, siêu thị mini. Mục tiêu cũng nhằm nâng tầm mô hình bán lẻ truyền thống trở nên hiện đại. Dự kiến đến năm 2026 sẽ có 10.000 cửa hàng từ chương trình này. Ông Bruno Jousselin – Tổng Giám đốc Điều hành của MM Mega Market nhận định: “Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần với doanh thu khoảng 10 tỷ USD/năm. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ và sự cạnh tranh khốc liệt từ chuỗi cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị mini, nếu các tiệm tạp hóa truyền thống ở Việt Nam vẫn kinh doanh theo mô hình cũ sẽ chắn sớm bị đào thải”.

Tại TPHCM, hiện nay, hạ tầng thương mại tương đối hoàn thiện so với mặt bằng chung của cả nước. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, thời gian tới, TPHCM sẽ đẩy mạng phát triển thị trường bán lẻ hiện đại và truyền thống. Hiện Sở Công thương đang cùng với Đại học Kinh tế - Luật TPHCM nghiên cứu đề án phát triển mạng lưới chợ truyền thống theo hướng hiện đại hơn. Theo Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD. Dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước.

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, năm 2022 mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14 – 17%. Trong đó, sức mua của người tiêu dùng cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh nhất, có thể đóng góp 30 – 40% doanh số cả năm. Công ty nhiên cứu thị trường Cushman & Wakefield cũng nhận định, những tháng cuối năm diễn ra nhiều sự kiện lễ hội nên sẽ tạo ra một làn sóng mua sắm với số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm khá lớn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, 2 năm đại dịch bùng phát mạnh, một số nhà bán lẻ phải đóng cửa bớt một số điểm và chỉ giữ lại những điểm bán tốt. Nhưng bước sang năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy mạng lưới bán lẻ sẽ phát triển trở lại, thậm chí tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường. Dự báo, 2023 ngành bán lẻ phát triển mạnh đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung.

Tại TPHCM, nhiều trung tâm thương mại lên kế hoạch và tiến hành cải tạo và tái cấu trúc mặt bằng thương mại. Đây là diễn biến tích cực của thị trường khi các mặt bằng bán lẻ đã lỗi thời được nâng cấp, hứa hẹn sẽ đáp ứng phần nào sự khan hiếm mặt bằng tốt trên thị trường.

Hùng Vương Plaza (Quận 5) hiện đang được cải tạo và dự kiến sẽ tái nhập thị trường vào năm 2023. Nổi bật, Diamond Plaza (Quận 1) sẽ mở cửa trở lại vào tháng 12/2023 sau khi cải tạo, bao gồm nhiều thương hiệu cao cấp... Khu vực Thảo Điền (Thủ Đức) đang dần trở thành trung tâm giải trí và ăn uống cao cấp khi quy tụ một số thương hiêu nổi tiếng mới như Runam, Yen Sushi, L’Usine... Bên cạnh sự gia nhập và mở rộng của thương hiệu quốc tế, thương hiệu nội địa cũng tăng trưởng đáng kể, mở rộng khắp thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19.8% so với năm trước, ước tính đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 238.45 tỷ USD - tỷ giá 23.820). Trong đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.475,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14.4% so với năm trước. Tại TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 30,6% so với năm 2021, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%.

THANH GIANG