Tết châu Á mùa 'bão giá'
Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền quan trọng đối với người dân nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế cũng như thu nhập của người dân giảm, vậy họ sẽ đón Tết thế nào?
Nếu như năm ngoái, đại dịch Covid-19 buộc phải phong tỏa nghiêm ngặt, không thăm hỏi trực tiếp được, thì người dân châu Á hay mừng tuổi nhau qua ứng dụng lì xì trên điện thoại. Ngân hàng DBS của Singapore thống kê, chỉ trong ngày mùng 2 Tết năm 2022, người dân nước này mừng tuổi nhau qua ứng dụng tới 1,5 triệu USD (tương đương hơn 35 tỷ VND).
Vậy, Tết năm nay thì sao? Những ngày này rất nhiều người xếp hàng tại các cây rút tiền. Có những người phải xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt rút tiền. Các ngân hàng tại Singapore đang rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt, đặc biệt là mệnh giá 2 USD, 10 USD và 50 SGD.
Tục lệ mừng tuổi “hồng bao” rất phổ biến ở Singapore, nhất là mừng tuổi các bậc cao niên, hay trẻ nhỏ. Ông Benny Chan - Quản lý chi nhánh Ngân hàng UOB cho biết: "Chúng tôi đã điều động rất nhiều nhân viên để hỗ trợ khách hàng, thậm chí phải gọi cả các nhân viên đã nghỉ hưu tới để giúp trong dịp Tết Nguyên đán".
Chính quyền cho biết, để người dân trong mùa “bão giá” đón Tết vui vẻ, mỗi hộ gia đình Singapore đều có thể đăng ký nhận phiếu giảm giá mua hàng trị giá 300 SGD.
Tại Trung Quốc, Tết Quý Mão 2023 trở thành dịp để người dân bung sức tiêu tiền. Việc Bắc Kinh mở cửa đúng vào dịp trước Tết Nguyên đán được cho là sẽ tạo cơ hội để người dân không chỉ du lịch, mà còn giải trí, mua sắm, buôn bán bù lại cho những năm trước.
Theo số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc, từ 7/1 đến 15/2 sẽ có khoảng 2 tỷ chuyến đi lại, du lịch, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đèn lồng đỏ đủ kích cỡ, câu đối, dây đèn nhấp nháy và những móc treo hình con thỏ (biểu tượng của năm mới 2023 theo truyền thống của người Trung Quốc) ngập tràn. Một người dân ở thành phố Nghĩa Ô cho biết, số lượng đèn lồng bán ra hàng ngày trong dịp này lên tới hơn 4.000 cặp.
Cùng với sắm sửa đồ trang trí Tết, điểm tiêu tiền tiếp theo của người dân Trung Quốc chính là các hàng quán và trung tâm thương mại khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ.
Quản lý một nhà hàng ở Trùng Khánh cho biết, lượng khách đã đạt mức trung bình cao nhất của các năm trước khi dịch bùng phát. Đối với các mặt hàng xa xỉ như vàng và trang sức cũng chứng kiến lượng khách tăng vọt dịp cuối năm.
Ông Li Yang - chuyên viên phân tích đầu tư vàng cấp cao, Caibai Jewelry (Bắc Kinh) cho rằng, Tết này người Bắc Kinh có thể sẽ chi tiêu gấp 3 lần năm ngoái.
Còn tại Hàn Quốc, cho dù giá xăng tiếp tục tăng nhưng người dân vẫn “không nản” khi chi tiền sắm Tết. Chị Lee Ju-hyung - một cư dân Seoul cho biết: "Đi đâu tôi cũng cố gắng tìm xem có trạm xăng nào giá rẻ hơn không nhưng không vì thế mà không ghé lại các cửa hàng mua sắm Tết".
Năm nay để chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày Tết cổ truyền của một gia đình 4 người tại Hàn Quốc trung bình hết khoảng hơn 200 USD, tương đương gần 5 triệu VND. Còn nếu tính cả mùa Tết, giới chuyên gia tài chính nước này cho rằng trung bình 1 người dân Hàn Quốc sẽ chi tiêu khoảng 1.000 USD.
Để hỗ trợ người dân đón Tết, Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ chi 23,5 triệu USD và cùng với các doanh nghiệp bán lẻ có biện pháp để bình ổn giá các loại thực phẩm chính. Đối với 16 mặt hàng thực phẩm được mua sắm nhiều trước tết, chính phủ nước này cũng đã nỗ lực tăng cường nguồn cung.
Nói như chị Lee Ju-hyung thì tết này là cái tết “trọn vẹn nhất” khi mà đại dịch Covid-19 đã qua. Người dân rất háo hức đón tết, và cũng chính vì vậy mọi người cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn, bất chấp “bão giá” đe dọa.
Sau 2 cái Tết hạn chế do chống dịch Covid-19, Tết năm nay đã và đang chứng kiến “cuộc Xuân vận” cực lớn ở Trung Quốc. Xuân vận có nghĩa là dịch vụ mùa xuân, là khoảng thời gian cao điểm đi lại vào dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Năm nay, Xuân vận bắt đầu vào ngày 7/1 và kéo dài đến ngày 15/2. "Đối với những người đi làm ăn xa, đó là niềm hạnh phúc khi đoàn tụ với người thân nhưng cũng lại là sự khó nhọc khi muốn có một tấm vé tàu. Còn với nhân viên đường sắt, nó tượng trưng cho những ngày làm việc gian khổ. Đối với những người buôn bán, nó có nghĩa một mùa kinh doanh bận rộn. Đối với cảnh sát, nó là một cuộc chiến chống trộm cắp và hành lý chứa vật liệu dễ cháy. Đối với chính phủ, đó là một bài kiểm tra năng lực hành chính" - bài báo của China Daily viết.
Dự kiến, đợt Xuân vận năm nay tại Trung Quốc sẽ có tới 1 tỷ lượt người đi lại. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã phải kêu gọi khách du lịch giảm các chuyến đi và các cuộc tụ tập, đặc biệt nếu có người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền.