Nguy cơ đột quỵ từ những bữa nhậu tất niên
Bệnh viện đa khoa Tâm Anh vừa thông tin về trường hợp một nam bệnh nhân bị đột quỵ do nhậu khuya và tắm sớm. Cụ thể, bệnh nhân là anh T.D.N. (42 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau đầu, tê yếu một bên thân, méo miệng và khó nói. Bệnh nhân còn có tiền sử tăng huyết áp không điều trị thường xuyên.
Người nhà bệnh nhân cho biết, tối hôm trước anh N. đi nhậu tất niên với hội bạn thân, gần 2 giờ sáng mới về. Nằm nghỉ đến tầm 6 giờ sáng dậy tắm rửa để đi làm, bất ngờ anh N. bị lảo đảo chóng mặt, tê yếu tay, người nhà thấy vậy hỏi thăm nhưng anh nói khó, miệng hơi lệch sang một bên.
“Rất may anh N. được phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu ngay trong giờ vàng, chúng tôi phải cấp tốc tiết kiệm từng giây phút để nâng cao hiệu quả cứu sống, bảo toàn các chức năng cao nhất cho người bệnh” - bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết. Sau khi được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để theo dõi và điều trị tiếp, hiện anh N. đã qua cơn nguy kịch, tiên lượng phục hồi tốt.
Theo bác sĩ Đức, rượu là thủ phạm gây tiểu nhiều làm tăng độ nhớt máu, dễ tạo cục máu đông. Rượu cũng là nguyên nhân gây co mạch làm nóng bừng người gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, người bệnh còn tắm lúc sáng sớm trong thời tiết lạnh, nhiệt độ giảm làm co mạch máu, tăng trương lực mạch máu lại làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não.
Ngoài yếu tố thời tiết và rượu bia, nhiều yếu tố của mùa lễ, Tết như giờ giấc sinh hoạt đảo lộn gây căng thẳng, thiếu ngủ, ăn uống nhiều thực phẩm chứa chất béo, đường, nạp quá nhiều năng lượng làm tăng cân nhanh… cũng khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao. Bác sĩ Đức đưa ra lời khuyên, mùa lễ Tết dù bận rộn và tiệc tùng nhiều, mỗi người cũng nên giữ ăn uống ở mức vừa phải; hạn chế các thức ăn chứa nhiều dầu, mỡ, nội tạng; vận động thường xuyên, tránh rượu bia quá đà và giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh.
Việc phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ để tranh thủ thời gian “vàng” cấp cứu đóng vai trò vô cùng quan trọng, với các biểu hiện thường gặp như tê yếu chân tay, xây xẩm, chóng mặt, đau đầu, méo miệng…
Thời gian “vàng” để cấp cứu đột quỵ là trong vòng 3 giờ đầu để điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch; nếu muộn hơn từ 4,5 đến 6 giờ tính từ khi xuất hiện triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ thì cần can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ. Cấp cứu càng sớm hiệu quả điều trị càng cao. Trong thời gian chờ đợi cấp cứu, người bệnh không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc gì. Người nhà nên giữ người bệnh tránh bị té ngã, nằm cao đầu. Đồng thời, lập tức đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế có sẵn điều kiện, máy móc, thuốc chuyên dụng để can thiệp đột quỵ kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, cách nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST” như sau: Face: Nhận biết dấu hiệu đột quỵ qua gương mặt người bệnh. Dựa vào tình trạng mặt bị mất cân đối hoặc một bên miệng bị méo, bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu “cười” để được quan sát rõ hơn; Arm: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu giơ cả hai tay lên, sau khi kiểm tra bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước thì bên đó được kết luận bị liệt; Speech: Nhận biết sự bất thường trong ngôn ngữ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nói lặp lại một câu đơn giản nào đó. Nếu giọng nói không được tròn, rõ, không lưu loát hoặc không thể nói được, đây chính là dấu hiệu bất thường của đột quỵ; Time: Bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ rất cao nếu xảy ra cả 3 dấu hiệu kể trên. Người xung quanh cần khẩn trương đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để kịp thời điều trị.