Thu nhập tăng thêm
Sau nhiều năm chỉ nhận thu nhập tăng thêm mức 0,6 - 1,2 lần lương ngạch bậc, chức vụ thì kể từ ngày 1/1/2023, cán bộ, công chức, viên chức ở Thành phố Hồ Chí Minh được nhận mức tối đa là 1,8 lần. Đây là tin vui cho đội ngũ những người “làm công ăn lương” ngay trước Tết cổ truyền của dân tộc. Và, điều đó có thể cũng sẽ “tạm chấm dứt” câu chuyện thu nhập quá thấp dẫn đến làn sóng thôi việc thời gian qua.
Ngày 7/12/2022, UBND TPHCM trình HĐND thành phố Tờ trình tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập lên mức 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ trong năm 2023.
Đây là động tác “hiện thực hóa” Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 8, khóa X, ngày 9/12/2022, HĐND TPHCM đã thông qua việc điều chỉnh tăng thêm cho CB,CC,VC lên 1,8 lần, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Trong 5 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức ở TPHCM chưa được hưởng mức thu nhập tăng thêm cao nhất. Cụ thể: Năm 2018 được tối đa 0,6 lần; năm 2019 được 1,2 lần; năm 2020 được 1,2 lần. Riêng năm 2022: 6 tháng đầu năm được 1,2 lần; 6 tháng cuối năm, 1 lần.
Cùng với TPHCM, tới nay 3 địa phương khác trong cả nước cũng được áp dụng cơ chế thu nhập tăng thêm cho CB,CC,VC. Đó là Hà Nội, Cần Thơ và Hải Phòng. Tại Công văn 3256 ngày 3/10/2022 về việc khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài chính nghiên cứu xây dựng cơ chế, định mức khoán chi thường xuyên, thực hiện thí điểm chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của CB,CC,VC, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị của thành phố.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương, hiện Hà Nội chưa có văn bản chính thức áp dụng chính sách này.
Với thành phố Cần Thơ, Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết số 45 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển thành phố. Theo Nghị quyết này, Quốc hội cho phép Cần Thơ được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn theo hiệu quả công việc, tối đa không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí vị làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Chính sách này bắt đầu áp dụng từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong vòng 5 năm, tức là đến ngày 1/3/2027.
Tương tự, CB,CC,VC thành phố Hải Phòng cũng được hưởng chính sách thu nhập bình quân tăng thêm. Cụ thể, tại Nghị quyết số 35 năm 2021, Quốc hội đồng ý cho Hải phòng được thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù từ 1/1/2022 đến 1/1/2027; với mức tăng mức thu nhập lên không quá 0,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Đối với đại đa số CB,CC,VC, người lao động chân chính thì lương thưởng, thu nhập tăng thêm là nguồn thu nhập chính, với nhiều người còn là nguồn thu nhập duy nhất. Vì thế, cải cách chế độ tiền lương luôn được trông đợi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng lương luôn là “cuộc rượt đuổi” với giá cả thị trường. Lương chưa tăng thì giá đã tăng trong lúc nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống ngày một lớn hơn. Năm 2021 và năm 2022 đã chứng kiến hàng chục ngàn CC,CC,VC thôi việc, chuyển việc mà lý do lớn nhất là do thu nhập quá thấp, không bảo đảm nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. “Làn sóng” ấy lớn nhất thuộc về ngành y tế và giáo dục.
Tăng lương là yêu cầu chính đáng của người thu nhập từ lương, đó thuộc về chính sách chung của nhà nước. Nhưng còn thưởng, thu nhập tăng thêm thuộc về địa phương, đơn vị cụ thể trong quy định, quyền hạn của mình được cho phép. Vì thế, việc TPHCM quyết định thu nhập tăng thêm cho CB,CC,VC ở mức “kịch khung” lên 1,8 lần kể từ 1/1/2023 là một nỗ lực rất lớn của thành phố. Đó cũng là sự chia sẻ cần thiết đối với người lao động nói chung.
Tại Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung, ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với CB,CC,VC lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp cũng đã chỉ rõ mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội.
Như vậy, muốn có ngân sách để tăng thêm cho CB,CC,VC, người lao động đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực phấn đấu, tạo được nguồn lực tài chính. Thu nhập tăng thêm cho người lao động hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của địa phương, chứ không thể ngồi đợi nguồn tiền “từ trên trời rơi xuống”. Tuy nhiên, có vẻ như điều đó vẫn chưa được lãnh đạo nhiều địa phương nhận thức một cách đầy đủ.