Chế độ ăn phù hợp để tránh ngộ độc, tăng cân trong dịp Tết
Dịp Tết có rất nhiều đồ ăn. Làm thế nào để phòng tránh được ngộ độc thực phẩm cũng như hạn chế được tăng cân mất kiểm soát là điều được nhiều người quan tâm.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, khuyến cáo đầu tiên với người tiêu dùng là phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.
Thứ 2, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp còn hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng.
Đặc biệt, người dân không nên biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Hiện nay, thị trường rất đa dạng, phong phú vào ngày mùng 1-2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết tích trữ thực phẩm.
Người dân cũng cần lưu ý khi sử dụng thực phẩm tại các lễ hội xuân. Mùa Tết, lễ hội ở miền Bắc thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ… dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, phía Nam vào dịp Tết nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá bảo quản không tốt dễ bị thiu, mốc, hỏng…
Tương tự, Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng thông tin trên báo chí về chế độ ăn phù hợp để tránh ngộ độc, tăng cân cho trẻ em trong dịp Tết: Ngày Tết, nhà nào cũng có mứt kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có ga và các loại hạt: dưa, hướng dương... Nếu trẻ uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều bánh ngọt trước hoặc trong khi ăn sẽ dẫn tới có cảm giác no tới bữa không ăn hoặc chán ăn. Đồng thời, nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương...
Uống một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể làm tăng gần 7 kg cân nặng trong một năm, bởi một lon nước ngọt 600 ml chứa khoảng 36 g đường, đường có trong nước uống tăng lực là 24 g/lon 250 ml. Thành phần chủ yếu của nước ngọt có ga là hương vị, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt cho sức khỏe về mặt dinh dưỡng.
Ngoài ra, hạt dưa, hạt bí và một số loại hạt khác dễ bị hư hỏng, mốc; mứt và bánh kẹo trôi nổi trên thị trường, không rõ nhãn mác, xuất xứ không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, cần hạn chế ăn uống những thực phẩm trên.
Tết cổ truyền là dịp vui nhất trong năm, nhưng để dịp vui đó được trọn vẹn, cần nhớ giữ gìn sức khỏe cho trẻ. Ăn đủ nhu cầu cần thiết từ 4 nhóm thực phẩm. Ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi. Không ăn thực phẩm dễ bị ôi lưu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước... đề phòng tiêu chảy. Hạn chế ăn bánh kẹo, uống nước ngọt có ga, các loại hạt... do không tốt với sức khỏe.