Có mặt tại "thủ phủ" mật mía Kim Tân, huyện Thạch Thành những ngày cận Tết, không khí đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là sự hối hả, tấp nập khi các hộ gia đình ra sức nấu mật mía để chuẩn bị hàng cho thương lái mang đi bán trong dịp Tết.. Càng giáp Tết, các lò mật mía càng tranh thủ từng giờ từng phút, chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất. Tiếng máy nghiền, ép mía hòa trong tiếng cười nói rộn ràng cả một vùng quê. Mùi thơm ngọt của mật mía quyện lẫn trong làn khói bốc lên từ các lò nấu mật khiến ai đến đây cũng không thể cầm lòng mua một vài chai mật mang về làm quà tặng người thân. Là người gắn bó với nghề làm mật mía nhiều năm nay, chị Đặng Thị Duyên (trú khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân), cho biết tầm đầu tháng 12 Âm lịch, mỗi ngày gia đình nấu khoảng 500 kg mật. Công việc của người làm mật bắt đầu từ 4h sáng đến khoảng 9-10h đêm. Vào thời gian cao điểm này, gia đình phải thuê thêm từ 3- 4 người làm với tiền lương 250.000 đồng/ngày mới kịp các đơn hàng cho khách đặt. Vất vả là thế nhưng niềm vui mang lại cũng rất lớn, đó là mật cứ nấu xong đến đâu là có xe đến bốc đi lúc đó. Những mẻ mật mía vàng óng, sánh mịn. “Nấu được một mẻ mật thành công khâu quan trọng nhất chính là giữ lửa luôn đều, không quá to cũng không quá nhỏ và khi các chảo nấu mật bắt đầu sôi phải luôn tay hớt bọt, nếu hớt không sạch bọt mật sẽ không trong", chị Duyên chia sẻ. Hiện tại, giá mật bán tại lò mật là 15.000 - 17.000đồng/kg (1kg mật tương đương 1,5 lít mật) và giá bán lẻ là 20.000-25.000đồng/kg. Trừ hết chi phí, mỗi dịp gần Tết, gia đình chị Duyên lời được khoảng vài chục triệu đồng từ việc bán mật. "Nhà trồng được mía trên diện tích 5 ha, tính bán cho nhà máy mía đường Việt Đài ở thị trấn Vân Du nhưng giá cả hơi thấp. Suy đi tính lại, mình đầu tư thêm máy móc, thuê thêm nhân công để làm mật mía. Sau 3 tháng làm miệt mài vào cuối năm, ước tính cũng lời được kha khá, đảm bảo cho gia đình có một cái Tết ấm no", chị Duyên tâm sự. Bã mía sau khi rời khỏi máy nghiền sẽ được đưa đi phơi khô. Sau đó, được chấp đống vào kho. Kho dự trữ bã mía được tận dụng để làm chất đốt trong năm sau. Tại làng mật mía Lâm Thành, người dân thường xếp những can mật mía thành phẩm ra dọc hai bên đường, để bán cho khách mang về ăn Tết. Được biết, mật mía thường dùng làm đồ chấm cho món bánh chưng trong ngày Tết, và là nguyên liệu để chế biến nên món bánh trôi.
Đình Minh