Thì hiện tại của cam tiến vua Xã Đoài
Cam Xã Đoài quyến rũ thực khách bởi hương vị thơm ngon, độ ngọt thì không loại cam nào sánh bằng. Khi cắt ra có màu vàng óng, nước cam chảy như mật ong. Và điều đặc biệt loại cam này chỉ ngon ngọt khi được trồng ở đất Xã Đoài.
Đếm quả tính tiền
Làng Xã Đoài, xã Nghi Diên, Nghi Lộc (Nghệ An) cách thành TP Vinh chừng 15km về phía Bắc. Khi nhắc đến địa danh này, ai cũng đã từng nghe về loại cam cùng tên làng. Cam Xã Đoài ngon nức tiếng, loại cam mà xưa kia chỉ tiến vua. Theo cuốn "Lịch sử xã Nghi Diên", cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi. Nhưng cũng có thông tin cho rằng giống cam này xuất phát từ Tây Ban Nha, được người Pháp mang đến Xã Đoài trồng vào khoảng đầu thế kỷ 19. Không lâu sau đã tạo nên một thương hiệu cam nổi tiếng mang tên ngôi làng mà nó hợp duyên, làng Xã Đoài. Lạ thay, loài cam này chỉ thích ứng thổ nhưỡng chính trên mảnh đất nhỏ bé này. Bởi vậy, đến nay dù có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng vì sao giống cam đặc biệt lại chỉ hợp với đất làng Xã Đoài vẫn là một điều bí ẩn, ngay cả với những nhà nghiên cứu cây trồng. Thậm chí, từ hàng chục năm qua, nhiều thử nghiệm đem giống đến trồng ở làng bên cạnh và các vùng khác đều thất bại. Cây vẫn xanh tốt, cho quả đẹp nhưng hương vị không thể thơm ngon bằng. Như vậy, có thể thấy cam Xã Đoài thực sự là một loại cây trồng khá đặc biệt, bởi nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực nhân rộng giống cam này, nhưng cứ đưa ra khỏi vùng đất khởi nguồn, y như rằng loại cam lại không có được chất lượng như mong muốn.
Trở lại với Xã Đoài, những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, các vườn cam của người dân ở xã Nghi Diên đang bắt đầu chín dần, có thể cho thu hoạch để phục vụ nhu cầu Tết. Hiện tại, nhiều khách đã đến đặt mua cam với giá dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/1 quả, tùy vào chất lượng. Tuy nhiên năm nay do thời tiết bất lợi, đặc biệt là những đợt mưa lớn bất thường vào tháng 11 vừa qua khiến nhiều vườn cam Xã Đoài của bà con nơi đây bị rụng, gây thiệt hại nặng nề.
Là một trong những hộ dân sở hữu nhiều gốc cam Xã Đoài, ông Nguyễn Văn Thọ - người làng Xã Đoài cho biết: Với hơn 60 gốc, vườn cam Xã Đoài của gia đình ông năm nay ước đạt 14.000 quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa lụt vào tháng 11 vừa qua, hơn 4.000 quả đã bị rơi rụng, hư hỏng. “Loại cam này, đếm quả tính tiền, cho nên khi một quả rụng xuống, chúng tôi tiếc lắm”. Hiện nay, chỉ còn ít ngày nữa là tết, nhưng số cam của gia đình ông Thọ cơ bản đã được bán hết. Theo ông Thọ, gia đình ông đã nhận đặt hàng cách đây hơn 2 tuần, hiện ông Thọ đã nhận đặt cọc hơn 4.000 quả với giá 70.000/quả của các vị khách quen thuộc.
Cạnh đó là vườn của ông Nguyễn Văn Cường (61 tuổi) trú tại xã Nghi Diên cũng là một trong những gia đình có nhiều gốc cam Xã Đoài. Trò chuyện với ông về loại cam tiến vua, ông Nguyễn Văn Cường cho hay: Cam Xã Đoài là giống cam đặc biệt có vỏ mỏng mịn, nhiều nước, mùi hương thơm dịu nhẹ. Múi cam vàng óng ánh, vị ngọt như mật ong, hơi thanh. Vì vậy, giống cam này mới tạo nên sự khác biệt của nó, khiến mọi người nhớ mãi không quên sau một lần thưởng thức. “Chỉ cần bóc vỏ là người sành cam đã cảm nhận được rồi. Còn khi nếm thì cam Xã Đoài có vị ngọt thanh, chứ không quá ngọt như loại cam khác. Cam Xã Đoài chỉ có thể trồng tại chính mảnh đất này, vì thế nên cam mới đắt đến vậy”, ông Cường cho biết thêm.
Nói về sự khác biệt này, ông Nguyễn Duy Hảo trú tại xóm 9, xã Nghi Diên chia sẻ: Hiện gia đình ông có 70 gốc cam giống Xã Đoài, gốc cam già nhất có được trồng vào năm 1974, mỗi gốc cam thường “gánh” từ 40-59 quả. Ông Hảo thổ lộ, riêng vườn cam của gia đình có từ lâu đời, tính đến nay đã được 4 đời. Nói về cái đặc biệt của cam Xã Đoài, ông khẳng định: “Chỉ có cam Xã Đoài mới sở hữu những giá trị đặc trưng riêng. Đã có nhiều người về Xã Đoài lấy giống đi trồng những nơi khác, nhưng chất lượng không thể bằng cam trồng tại bản xứ”. Tôi dạo quanh các vườn cam của những hộ gia đình tại xã Nghi Diên, phần lớn các cây cam đã được cắm biển “cây đã đặt cọc”. Bởi vậy, nếu muốn thưởng thức cam Xã Đoài chính hiệu phải đặt cọc khi quả còn xanh.
Nguy cơ thất truyền
Đây là câu chuyện được các nhà nghiên cứu, người dân cũng như chính quyền sở tại bày tỏ băn khoăn. Điều này cũng được chứng minh cả vùng đất Xã Đoài ở xã Nghi Diên chỉ còn một vài hộ còn giữ được vườn cam đặc sản, còn nữa chỉ vài gốc/hộ (loài cam được xem là F1). Nguyên nhân đầu tiên được xác định là nguồn đất vườn của các gia đình đang hạn hẹp dần, và người dân thì chưa mạnh dạn đầu tư đưa cam ra trồng ngoài đồng. Do vậy, việc bảo tồn rất khó khăn.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghi Diên còn lại 3 vườn cam Xã Đoài chính gốc, ngoài vườn cam của gia đình ông Nguyễn Duy Hảo, còn có vườn cam của ông Phan Công Hưởng, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên và trang trại của ông Nguyễn Quốc Tuấn. Được biết, đã từng có dự án phục tráng giống cam Xã Đoài, song không thực hiện được. Mặt khác, thương hiệu cam Xã Đoài chính gốc chưa được đăng ký bảo hộ, vì không đủ số lượng để đăng ký và không có để đưa ra bán rộng rãi trên thị trường. Nguồn lợi từ cam Xã Đoài đặc sản thì có thể tính toán rõ, nhưng để bảo tồn, phát triển giống cam này đang là bài toán khó đối với chính quyền xã Nghi Diên và người dân.
Ông Phan Công Hưởng - nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết: Năm 1974, xã Nghi Diên có gần 60 ha cam, là mặt hàng có giá trị kinh tế lớn, xuất khẩu đi nhiều nước. Thế nhưng đến năm 2015, diện tích trồng cam còn 6 ha, trong đó chỉ khoảng 3 ha cam cho quả ngon. Năm 2001, đề án Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi ghép để chọn giống cam sạch bệnh, do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghiệp Nghệ An thực hiện, với mục tiêu bảo tồn gen quý của cam Xã Đoài. Ông Hưởng là người tham gia lập đề án bảo tồn, phát triển cam, đưa cam ra đồng để thay thế cho cây lúa. Theo đề án, dự kiến đến năm 2015 sẽ phục hồi được 50 ha cam Xã Đoài. Thế nhưng, đề án không đi vào cuộc sống vì người dânlo ngại cam không thích ứng được với đồng ruộng.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Công Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết: Hiện toàn xã có hơn 30ha cam Xã Đoài, trong đó, số cam gốc trồng trong vườn nhà dân khoảng 10ha, số còn lại ở trong các trang trại cam. Vừa qua, sau những đợt mưa lớn trong tháng 11 đã khiến các vườn cam bị ngập úng nhiều ngày, khiến một lượng lớn quả đã rơi rụng khi gần đến mùa thu hoạch. Nói về nguy cơ thất truyền của loại cam tiến vua này, ông Dương cho biết: Cam Xã Đoài đã tạo nên một thương hiệu nổi tiếng suốt nhiều thế kỷ qua, song qua thời gian cũng dẫn đến thoái hóa và chịu sức ép về đất canh tác. Các vườn cam ngày càng bị lão hóa, thu hẹp dần. Thống kê từ Phòng Nông nghiệp, UBND huyện Nghi Lộc, hiện toàn huyện có hơn 98ha đất trồng cam, trong năm 2022 tăng hơn 11ha, năng suất hơn 76 tạ/ha. Riêng cam Xã Đoài ở Nghi Diên là hơn 30ha và đã được cấp chứng chỉ OCOP.