Những cung bậc cảm xúc từ thưởng Tết

Minh Thủy 16/01/2023 07:00

Thưởng tết bao giờ cũng là sự chờ đợi của người lao động. Người được thưởng nhiều đương nhiên là vui, và dĩ nhiên người nhận thưởng ít sẽ buồn. Tết là tết chung của mọi người, nhưng vì thế sẽ đem lại “những cung bậc cảm xúc” khác nhau. Một thống kê cho biết, Tết Quý Mão này có nơi chỉ thưởng 50.000 đồng một người. Có tới 23 tỉnh, thành mà ở đó có nơi mức thưởng chỉ từ 100.000 đồng đến dưới một triệu đồng.

Theo Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC), việc một số nơi có mức thưởng tết quá thấp hoặc không công bằng cho thấy khoảng trống trong thương lượng giữa đại diện người lao động, cụ thể là công đoàn cơ sở với chủ doanh nghiệp.

Trước khi kết thúc năm 2022, đại điện Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) công bố báo cáo tổng hợp trên cả nước về các mức thưởng tết dương lịch 2023 và tiền lương bình quân cả nước năm 2022. Theo đó, tổng hợp từ dữ liệu của tất cả 63 tỉnh thành về tiền lương thưởng qua khảo sát trên 54.000 doanh nghiệp và khoảng 4,38 triệu lao động (chiếm 16,2 tổng lao động làm công trên cả nước) thì TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức thưởng tết dương lịch cao nhất cho một cá nhân, hơn 600 triệu đồng. Một số tỉnh thành thưởng cao cho cá nhân nữa là Hà Nội (125 triệu đồng), Bắc Ninh (257 triệu đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (gần 180 triệu đồng), Bến Tre (hơn 320 triệu đồng)...

Còn Tết Nguyên đán Quý Mão, cơ quan chức năng cho biết mức thưởng tăng 11% so với Tết năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất cho cá nhân Tết này là 1,004 tỷ đồng, tại một doanh nghiệp dân doanh ở thành phố Đà Nẵng. Cùng đó, những địa phương có mức thưởng Tết Nguyên đán 2023 cao là Thành phố Hồ Chí Minh 759,9 triệu đồng; Bà Rịa-Vũng Tàu là 535,71 triệu đồng; Hà Nội là 400 triệu đồng; Bắc Ninh là 379,8 triệu đồng; Đồng Nai là 307 triệu đồng.

Vẫn theo Cục Quan hệ lao động và tiền lương, tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021, trong đó: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 9,52 triệu đồng/tháng; Doanh nghiệp dân doanh là 8,02 triệu đồng/tháng; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,47 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, trên phạm vi cả nước (qua tổng hợp dữ liệu tới ngày 29/12/2022) thì tiền thưởng tết dương lịch giảm, bằng 91% so với thưởng dịp tết dương lịch năm 2022 (bình quân là 1,24 triệu đồng/người). Trong khi đó, tiền thưởng Tết Nguyên đán tăng 11% so với năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người).

Nhìn vào những con số nêu trên sẽ thấy mức độ thưởng tết (cả tết dương lịch và Tết Nguyên đán) có sự chênh lệch rất lớn ở các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan hành chính. Nhiều ý kiến cho rằng đó là không công bằng khi người được quá nhiều, người lại quá ít; địa phương thưởng nhiều nhưng địa phương khác lại thưởng ít. Tuy nhiên, thưởng tết không có quy định chung, không bị “áp chế tài” mà là do địa phương, doanh nghiệp tự quyết định trong phạm vi năng lực tài chính của mình. Nói tóm lại, làm ăn tốt trong cả năm, ngân quỹ dồi dào kể cả dự phòng cho lúc khó khăn, thì tiền thưởng tết sẽ cao. Ngược lại, nơi nào làm ăn bết bát thì người lao động cũng đành ngậm ngùi.

Vấn đề này dù có tạo ra những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng sẽ vẫn tiếp tục vì đây chính là quy luật của thị trường, từ đó tạo ra cạnh tranh, phấn đấu, nỗ lực trong công việc. Có chăng, điều đáng nói là lãnh đạo cụ thể của đơn vị nào đó “giấu” phần lãi, chỉ thưởng rất ít cho người lao động mà thôi. Nếu như vậy thì cần có tiếng nói của tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Lương, thưởng là quan tâm của người lao động. Đặc biệt là thưởng tết, năm nào cũng râm ran. Suy cho cùng, cũng chẳng có cách nào khác muốn thưởng tết cao thì phải làm ăn hiệu quả. Lãnh đạo địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp và từng người lao động phải làm việc hết sức mình. Ngay từ đầu năm đã phải “tăng tốc” và phải bền bỉ trong suốt cả năm.

Chỉ có như thế thưởng tết mới cao lên.

Minh Thủy