Trả lễ Bà chúa Kho
Tương truyền đền Bà chúa Kho tại Bắc Ninh là điểm đến hàng đầu của những người cần vốn kinh doanh, buôn bán, những người nhiều tiền lại thích có nhiều tiền hơn. Bà chúa Kho vốn rộng lòng, ai vay cũng được nhưng đã vay thì phải trả.

Trong năm, ai muốn đến vay bà chúa cũng được nhưng cuối năm thì phải lễ tạ, gọi là trả lễ bà chúa, “đầu năm vay Bà, cuối năm trả nợ”.
Cũng không ai biết Bà chúa Kho tên thật là gì, chỉ biết ngôi đền thờ Bà nay thuộc phường Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Bà được cho là người trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt, năm 1077. Nhà vua phong bà là Phúc thần, còn người dân đã lập đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở núi Kho và gọi bà là Bà chúa Kho, quanh năm hương khói.
Mơ ước sung túc, làm ăn hanh thông là của tất cả mọi người. Nhưng cũng không biết tự bao giờ người ta cho rằng nếu cần tiền thì cứ đến vay Bà chúa Kho. Có lẽ đó là một niềm tin giúp người ta vượt qua khó khăn về tài chính, ít nhất là trong một năm.
Nhưng, như đã nói, có vay thì có trả. Cuối năm khi Tết gần đến, người ta lại gấp gáp sửa lễ trả nợ Bà chúa Kho. Trong năm vay bao nhiêu thì cuối năm trả lại ngần ấy, tất nhiên là bằng đồ mã. Mọi năm, vào dịp trả lễ, đền Bà chúa Kho chật kín người. Mâm to mâm nhỏ, chen chúc nhau, thuê cả người đội lễ. Hàng quán xung quanh cũng rặt người tứ phương.
Nhưng năm nay, lạ quá, người đi trả lễ ít, khu vực đền Bà chúa Kho khá thưa thớt. Những lễ tạ của “con nợ” cũng đơn giản hơn, không “mâm cao cỗ đầy” như mọi năm. Nhiều người cho rằng năm nay có thể do kinh tế khó khăn và đầu năm đền đóng cửa phòng dịch Covid-19 nên người đến vay ít, do đó cuối năm cũng không phải đi trả nợ Bà chúa.
Chả biết thực hư thế nào nhưng đúng là có cảnh “thông thoáng” tại đền Bà chúa Kho dịp Tết này.
Vẫn biết Bà chúa rộng lòng, nhưng theo quan niệm dân gian thì Bà là người trông coi kho tàng của nhà vua, của đất nước. Nếu cầu xin, Bà có thể cho vay nhưng vay thì phải trả, không được “ăn quỵt”. Bà thương người có chí làm ăn nên cho vay vốn. Bà lấy tiền của “tập thể” cho vay nhưng không phải Bà “cậy chức cậy quyền” hành động tự tiện, mà có một “khế ước” bất thành văn là của dân, của nước đã vay thì phải trả lại cho dân, cho nước. Không trả sẽ bị trừng phạt.
Vay Bà chúa Kho là tạm ứng niềm tin. Còn đục khoét công quỹ lại là tham ô, tham nhũng. Hai việc rất khác nhau. Không phải cứ trả lễ là xong.