Phải kiểm soát quyền lực ở mỗi vị trí
Những vụ án tham nhũng lớn trong thời gian gần đây từ Việt Á; Chuyến bay giải cứu và vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đang cho thấy sai phạm có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn xảy ra ở nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương. Điều đó đang đặt ra bài toán về kiểm soát quyền lực. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam, bên cạnh việc kiểm soát quyền lực, cần hoàn thiện thể chế, ngăn chặn cơ chế xin - cho.
PV: Trong các vụ án tham nhũng lớn vừa được phanh phui thời gian qua có một “mẫu số chung” là đều có tính tổ chức, hệ thống. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đầu tiên là do cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay chưa được tốt. Trung ương cũng đã yêu cầu phải hoàn thiện các cơ chế, quy định trong Đảng, Nhà nước, pháp luật, cũng như cơ chế để MTTQ Việt Nam và nhân dân tham gia giám sát. Vấn đề trên cho thấy cần điều chỉnh lại các quy định của pháp luật, phạm vi quyền hạn trách nhiệm cần rõ ràng và cụ thể hơn. Chúng ta nói quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đấy nhưng thực tế vẫn chưa được rõ lắm.
Chúng ta cũng nói trách nhiệm của người đứng đầu nhưng thực tế còn có trách nhiệm của những người thực thi công vụ. Bởi quyền lực không chỉ có người đứng đầu, mà bản thân mỗi cán bộ công chức khi thực thi nhiệm vụ thì họ đã có quyền lực được nhà nước giao. Cho nên, những người thực thi quyền lực cũng phải có cơ chế chịu trách nhiệm như thế nào, khi mà có nhiều sự vụ phát sinh từ chính quyền lực của cán bộ đó nhưng lại không rõ trách nhiệm. Đến khi xảy ra tiêu cực mới được phát hiện, xử lý.
Vậy cơ chế kiểm soát quyền lực theo ông cần được hoàn thiện như thế nào?
- Cần phải ngăn chặn “từ sớm, từ xa” như Tổng Bí thư đã từng nói: để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng. Đây là vấn đề liên quan đến cơ chế kiểm soát quyền lực, cũng như các cơ chế chính sách khác nữa. Trước kia đã có một số ngành như thuế, thanh tra có chính sách “dưỡng liêm” song vẫn chưa đủ. Các ngành dễ bị tiêu cực như: Xây dựng, đầu tư, đất đai vẫn còn cơ chế “chạy”, cơ chế xin - cho. Mà đã còn cơ chế xin - cho thì vẫn còn tham nhũng, tiêu cực. Cho nên cùng với kiểm soát quyền lực chúng ta phải xóa được cơ chế xin - cho.
Chúng ta hay nói việc tự phát hiện tham nhũng tại mỗi cơ quan đơn vị là yếu. Trong các vụ án lớn thường là có sự liên kết của nhiều cơ quan chứ không chỉ trong một cơ quan, đơn vị, thưa ông?
- Các vụ án lớn bộc lộ rõ lợi ích nhóm. Và nhóm này là “nhóm liên ngành”, “liên cơ quan” chứ không phải chỉ là nhóm trong cùng một cơ quan, đơn vị. Như vụ Việt Á, vụ “chuyến bay giải cứu”, hay vụ Cục Đăng kiểm Việt Nam thì không chỉ có trong một ngành mà còn có sự kết nối với địa phương, kết nối với doanh nghiệp tư. Nghĩa là có sự liên kết giữa khu vực tư và khu vực công. Khu vực tư “xâm nhập” vào khu vực công làm cho khu vực công bị ảnh hưởng. Căn bản vẫn là do còn tồn tại cơ chế xin - cho. Muốn có dự án thì khu vực tư phải xin khu vực công. Mà muốn “xin” thì phải “lót tay”. Như vụ Việt Á muốn tiêu thụ kit test thì phải đi vào khu vực công, đến các CDC, đến lãnh đạo các địa phương, các giám đốc sở. Kit test trước khi vào được khu vực công thì phải “móc nối” với Học viện Quân y, Bộ Khoa học và Công nghệ dưới dạng đề tài khoa học. Sau đó móc nối cả hệ thống giữa các ngành, các khu vực với nhau, liên cơ quan với nhau. Hay vụ AIC là tư nhân móc nối với Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc một số sở để tham gia vào dự án, bệnh viện đa khoa Đồng Nai...
Người dân bức xúc vì tham nhũng vặt, nhưng qua các vụ án cho thấy tham nhũng rất lớn?
- Không phải tham nhũng vặt đã hết, mà hiện vẫn còn tồn tại tham nhũng vặt tại cấp cơ sở. Trước kia chúng ta khó khăn, năng lực hạn chế nhưng giờ kinh tế phát triển có vốn đầu tư lớn thì thành hệ thống và tham nhũng lớn. Vừa qua chúng ta phát hiện các vụ án lớn nên nhìn vào thấy toàn vụ việc lớn, nhưng thực tế tham nhũng “vặt” vẫn đang còn.
Ông đề cập đến “dưỡng liêm” nhưng trong năm qua đã có hơn 200 cán bộ công tác tại các cơ quan phòng chống tham nhũng bị xử lý, kỷ luật. Phải chăng, vấn đề đầu tiên là cần chống tham nhũng ngay tại cơ quan phòng, chống tham nhũng, thưa ông?
- Hơn 200 cán bộ bị xử lý, kỷ luật trong một năm là con số lớn. Chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì con số này còn lên nữa. Vì hiện các vụ án đều đang được điều tra mở rộng từ vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, cho đến vụ án được phát hiện vừa qua xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Các vụ tham nhũng được phát hiện cho thấy quy mô lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan cả đến cán bộ cao cấp. Vừa qua nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh đã bị xử lý. Càng điều tra mở rộng thì càng nhiều cán bộ tại các ngành, cấp bị xử lý. Do đó, bên cạnh chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, cần rà soát lại tất cả cơ chế dẫn đến tham nhũng đó là cơ chế xin - cho. Đặc biệt là cơ chế kiểm soát quyền lực. Nghĩa là đồng bộ các cơ chế.
Tôi cho rằng, chúng ta cần làm rõ nguyên nhân tại sao có thể tham nhũng được? để từ đó có cơ chế ngăn chặn. Quyền lực tồn tại ở cả cán bộ tham mưu, cán bộ thực thi chứ không phải chỉ nằm ở lãnh đạo, người đứng đầu. Vừa qua trong các vụ án lớn đều “có bóng dáng” cán bộ tham mưu, lãnh đạo. Mỗi vị trí đều có quyền lực, bởi vậy chúng ta cần kiểm soát quyền lực ở mỗi vị trí.
Trân trọng cảm ơn ông!