Đào đến độ sâu 20 m, tiếp tục tìm bé trai lọt xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp
17 ngày qua, đến nay lực lượng cứu hộ đã hạ thêm độ sâu 2 cừ larsen (cọc ván thép) cặp hai bên cọc bê tông đến độ sâu 30 m và hàn giữ cố định đỉnh cọc và cừ larsen.
Theo VTC, tối 15/1, Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp cập nhật tiến độ cứu nạn bé trai 10 tuổi lọt xuống trụ bê tông sâu 35 m. Theo đó, lực lượng cứu hộ đã hạ thêm độ sâu 2 cừ larsen (cọc ván thép) cặp hai bên cọc bê tông đến độ sâu 30 m và hàn giữ cố định đỉnh cọc và cừ larsen.
“Sau đó, lực lượng cứu hộ tiếp tục đào đất trong lòng hố kết hợp với bơm dung dịch bentonite (dung dịch của một loại bột khoáng sét pha với dung môi là nước), độ sâu hiện tại khoảng 19 - 20 m so với đỉnh cọc”, Sở Thông tin và truyền thông Đồng Tháp cho biết.
Theo Zing, công trình cầu kênh Rọc Sen, nơi bé Hạo Nam rơi xuống thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP HCM - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T. Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải làm đơn vị giám sát.
Đối với trách nhiệm của nhà thầu thi công cầu Rọc Sen, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết đơn vị giám sát quản lý đã có nhắc nhở, yêu cầu trách nhiệm phải che chắn kĩ công trình. Tuy nhiên, đây là trường hợp hy hữu, bé Nam đi vào thời điểm có khe kẽ trong công trình, không ai phát hiện được.
Khi để xảy ra tai nạn của bé Nam thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Dưới sự tìm hiểu của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, đơn vị thi công đã che chắn, căng rào, gắn cảnh báo, đồng thời cử người quan sát. Từ ngày đầu xảy ra tai nạn, chủ đầu tư có mặt ở hiện trường, chấp nhận mọi yêu cầu điều động lực lượng đến hiện trường, chủ động hỗ trợ đội cứu nạn.
Trước đó, như đã thông tin, khoảng 11h30 ngày 31/12, em Thái Lý Hạo Nam cùng ba bạn chung xóm vào công trình cầu nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành. Ban đầu nạn nhân kêu cứu nhưng sau đó mất hút. Khoảng 30 phút sau lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án, trong đó dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc. Tuy nhiên, khi đào xuống khoảng 10 m, lực lượng cứu hộ không thể rút được trụ lên. Nhóm cứu hộ bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân.
Lực lượng cứu hộ triển khai nhiều phương án, như bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân; dùng máy xúc múc quanh trụ bê tông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc... nhưng sau 5 ngày chưa có kết quả.
Một số hình ảnh những ngày lực lượng cứu hộ tổ chức công tác cứu nạn:
Anh Thái Văn Tấn Tài, cha bé Nam, cho biết con trai thường chơi quanh xóm. Trưa nay nghe báo tin, anh hốt hoảng chạy lại chỉ nghe con kêu cứu dưới hố. Khoảng 10 phút sau, anh không nghe tiếng gì nữa. Gia đình anh Tài thuộc diện khó khăn vì vợ chồng đều làm mướn. Ngoài Nam, anh còn bé gái một tuổi.
Công trình cầu Rọc Sen thi công khoảng 6 tháng, đã hoàn thành đóng âm các cột bê tông xuống đất. Vài ngày trước đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây.
Hôm 20/12/2022, bé gái 5 tuổi ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) trong lúc chơi cùng bạn tại công trường đã lọt xuống hố cọc ép bê tông sâu 15 m, được cảnh sát giải cứu bằng cách thả dây chuyên dụng kéo lên.