Tết Việt và tiếng nước tôi
Niềm khắc khoải của mỗi người Việt Nam ở xa Tổ quốc luôn là câu hỏi: Làm thế nào để giữ gìn hồn cốt quê hương? Làm thế nào để giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba, khi mà những thế hệ ấy được sinh ra và lớn lên nơi đất khách, quê người.
Gìn giữ truyền thống ngay trong gia đình
“Tôi nghĩ văn hóa, ngôn ngữ là cả hệ thống những quy tắc, những hành vi. Để mỗi người có nền tảng văn hóa cần có thời gian, cần có các sự chuẩn bị rất công phu để truyền đạt, phát triển”, cô giáo Phạm Thị Lan Anh, giáo viên trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan tâm sự.
Nhớ lại, thời thơ bé lớn lên trong một môi trường đậm những giá trị văn hóa Việt, Lan Anh kể, cô quyết định thực hành những giá trị văn hóa hàng ngày ngay trong gia đình. “Ngày Tết, năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng, cùng các con rửa lá, đãi đậu, gói bánh và luộc bánh. Các món ăn truyền thống Việt Nam như: Xôi, thịt kho, giò lụa, giò xào, chè lam, bánh mật, bánh gai, bánh gấc... thường xuyên được làm tại nhà. Nhiều món nếu có điều kiện, tôi cố gắng thực hành đúng như món đó được làm tại quê nhà. Bánh cuốn cần xay gạo, ngâm đủ chua, mứt mơ, mứt gừng, ô mai cũng cần nấu đường, xào gừng đủ hết các công đoạn. Mùi vị, hay màu sắc sẽ đi theo các con để tạo thành ký ức tuổi thơ”, cô Lan Anh hào hứng kể.
Kể chuyện đón Tết Việt tại Hungary, bà Phan Bích Thiện - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam kể lại kinh nghiệm của bản thân. “Trong gia đình tôi những phong tục tập quán của Hungary dịp Giáng sinh, Tết Tây cũng như phong tục tập quán Việt Nam dịp Tết Nguyên đán, Trung thu đều được tổ chức. Các con tôi được nuôi dạy để hiểu và quý trọng cả hai nền văn hóa”.
Mặc dù dịp Tết Nguyên đán ở châu Âu vẫn là những ngày làm việc bình thường nhưng năm nào gia đình chị Thiện cũng giữ các phong tục truyền thống như: Làm mâm cơm tất niên với đầy đủ các món ăn ngày tết, có mâm ngũ quả, đón giao thừa, xông đất, hái lộc đầu năm, các cháu được nhận tiền mừng tuổi, đi lễ chùa đầu năm… “Cả gia đình cùng thắp hương ngày Tết. Tôi cũng giải thích với chồng và các con ý nghĩa của các phong tục tập quán Việt Nam.
Nhiều năm gia đình tôi tự gói bánh chưng ở nhà, vừa gói bánh tôi vừa kể cho các con sự tích của bánh chưng, bánh dày. Qua đó chồng con tôi ngày càng biết trân trọng các nét văn hóa Việt. Có năm con gái tôi còn mời các bạn người bản xứ đến nhà cùng gói bánh chưng”, bà Thiện cho biết và cảm động nói: Dịp Tết năm ngoái, tôi rất cảm động khi hai con gái của tôi đang thực tập và học tại London và Oxford (Anh quốc) gọi điện về và nói muốn tổ chức tết và giới thiệu về Tết Việt cho bạn bè và đồng nghiệp nước ngoài.
Cháu bé đã làm mâm cơm tất niên với nem, nộm, xôi và mời các bạn học đến cùng ăn tết, mừng tuổi cho các bạn. Ý tưởng của cháu lớn được công ty rất ủng hộ và công ty của cháu đã dành cả một tuần đón Tết Việt.
Bồi đắp tình yêu tiếng Việt
Những kiều bào mà tôi có dịp gặp, trò chuyện như bà Thiện, như chị Lan Anh đều có chung một nhận định: Muốn thế hệ thứ hai, thứ ba yêu và giữ gìn văn hóa Việt thì phải bồi đắp tình yêu tiếng Việt cho các cháu. Vốn là một giáo viên dạy tiếng Việt tại trường tiếng Việt Lạc Long Quân do kiều bào ta mở ở Ba Lan, nên cô giáo Lan Anh rất chăm chút với việc bồi đắp tình yêu tiếng Việt cho các con. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, các con cô cùng bà xem các chương trình Việt Nam.
Đặc biệt, mỗi người trong gia đình tìm được chương trình yêu thích của mình... Và như vậy, mỗi người cũng sống trong hơi thở văn hóa đương đại Việt Nam. “Một hoạt động nữa tôi khuyến khích con là tham gia lớp học tiếng Việt tại Trường tiếng Việt Lạc Long Quân. Tại đây, con có thêm các bạn người Việt, học tiếng Việt và sống trong môi trường với các thầy cô là những người yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt”, cô Lan Anh nói.
Cũng nói về việc dạy và học tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài, theo bà Thiện, việc này khó hơn rất nhiều trong gia đình đa văn hóa. Để dạy các con tiếng Việt thì bố hay mẹ người Việt phải nói chuyện với các con bằng tiếng Việt, từ khi các cháu còn nhỏ. “Các cháu sẽ hiểu, cũng không sao khi có lúc các cháu trả lời lại bằng tiếng Hungary vì như vậy nhanh hơn dễ hơn cho các cháu và các cháu biết là mẹ cũng biết tiếng Hungary. Nhưng các từ ngữ Việt sẽ ngấm vào các cháu. Khi về Việt Nam hay có môi trường bắt buộc cần nói tiếng Việt các cháu sẽ sử dụng được vốn từ của mình”.
Một yếu tố giúp các cháu thế hệ thứ hai học tiếng Việt là tạo điều kiện cho các cháu về Việt Nam để có môi trường thực hành tiếng Việt cùng với đó tạo được cho các cháu tình yêu đối với Việt Nam, có động lực muốn học và biết tiếng Việt.
Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Hải Linh cho rằng, trẻ con yêu tiếng Việt đến mức độ nào và khả năng dùng tiếng Việt của các con ở mức độ nào, phụ thuộc rất nhiều vào sự thiết tha duy trì, phát triển tiếng Việt và độ quyết tâm của gia đình. Mặt khác, các thế hệ F2, F3 sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, được tiếp cận với nền giáo dục khác với nền giáo dục ở Việt Nam, khác với nền giáo dục của bố hoặc mẹ các bạn; thế nên phải làm sao chuyển tải tiếng Việt đến cho các thế hệ này bằng cùng một phương thức như các bạn được tiếp cận ở trường học tại Hàn Quốc.
Mỗi người một câu chuyện nhưng ở họ đều chung một mong muốn, quảng bá tiếng Việt cho các con, các cháu, con em Việt tại nước ngoài.
Tự hào về giá trị Việt
Cô Lan Anh kể, cô dạy tại Trường tiếng Việt Lạc Long Quân gần 10 năm, ngần ấy thời gian cứ mỗi thứ bảy, các cô lại cùng với các con tiếp lửa tình yêu tiếng Việt. Mỗi buổi học 3 tiếng, dù các con chỉ biết thêm ít từ hay ít câu nhưng thông qua các hoạt động văn hóa đậm chất quê hương, các con cũng rất tự hào về giá trị văn hóa Việt, giá trị của người Việt.
“Để lớp học thu hút được các bạn học sinh, tôi luôn muốn các bạn đến lớp với niềm vui, niềm háo hức về một điều gì đó vừa hay, vừa mới, vừa có thể tự hào giới thiệu với các bạn ở nước sở tại. Như để có thể giúp một buổi thực hành làm bánh dẻo tại lớp học, tôi đã tự mình đăng ký khóa học bánh nướng bánh dẻo online.
Vừa áp dụng những công thức truyền thống của mẹ, vừa bổ sung các sáng tạo mới của các thầy cô ở Việt Nam. Hay như trong chuyện “Ngỗng và Tép”, các bạn nhỏ hỏi cô giáo: Con tép là con gì? Khi hiểu rồi thì chuẩn bị cho bài học, các bạn đã tự vẽ ngay ra các dụng cụ như đĩa tép, tiền mua tép... Buổi đóng kịch vì thế luôn sôi nổi, lôi cuốn mọi thành viên trong lớp”, cô Lan Anh cho biết.
Tuy nhiên, theo cô Lan Anh, cái khó khăn lớn nhất đối với việc dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài là nguồn tài liệu chính thức để giảng dạy. Đây cũng chính là trăn trở của một người nhiều năm làm công tác hội đoàn tại Hàn Quốc như ông Trần Hải Linh.
Băn khoăn là bởi, các bạn nhỏ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài mang trong mình dòng máu thuần Việt nhưng do tiếp xúc với văn hóa bản địa từ sớm nên ở các bạn có một nửa văn hóa Việt, một nửa văn hóa bản địa. Thế nên, tài liệu dạy vừa để dạy tiếng Việt vừa phải truyền tải được nội dung mang văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa nên lồng ghép liên quan đến văn hóa của nước sở tại. Hình thức học cũng phải phong phú, linh hoạt hơn và cần áp dụng nhiều kỹ năng hơn.