Gió xuân thổi Tết đoàn viên ấm lại
Xuân đến sớm như lòng người xôn xao sau những mưu sinh dằng dặc. Đã một khoảng thời gian dài người Việt Nam và cả nhiều nơi trên thế giới phải chống chịu với đại dịch Covid-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, cướp đi sinh mạng hàng triệu người trên trái đất.
Nhớ mùa xuân trước, ông bà ta, mẹ cha ta bỗng chốc phải tạm xa xôi. Nhà nhà cửa đóng then cài. Khẩu trang không rời khuôn mặt. Vô vàn thứ sát khuẩn luôn đặt nơi cửa phòng, góc bếp, bàn làm việc. Đã tạm qua những tháng ngày dằng dặc như thế. Đã có những lúc nhìn nhau trong nước mắt, chỉ tấc gang thôi mà như cách bức muôn trùng. Người trong nước đã thế, bà con kiều bào ở nước ngoài với ruột rà trong nước càng thấp thỏm, âu lo. Ai cũng khát khao tết đến xuân về đoàn viên sum họp, mà bỗng chốc đại dịch cắt ngang trời, cắt ngang mọi vùng đất, dựng lên vô số rào cản lạ lùng, bí bách. Mùa xuân đoàn viên sum họp bỗng chốc như nhỏ thắt lại, những lộc xuân, hoa xuân vẫn nở mà như chẳng để cho ai.
Năm nay, mùa xuân thật khác.
Hiển hiện trong phố hoa Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Khay tíu tít năm cửa ô Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Ô Quan Chưởng, Ô Chợ Dừa. Những gương mặt da trắng, da đen, da màu nghiêng ngó vạt hoa xuân trôi giữa phố phường tấp nập. Xuân đến từ tinh sương chợ đêm Long Biên. Mùa xuân mỗi giờ khắc như dăm bảy lần thay áo mới. Ông bà ta, mẹ cha ta tươi tắn lạ thường. Bên những cổng làng cổ, cổng thành cổ, tường cũ rêu phong, vô vàn tà áo dài tươi xanh đỏ trắng vàng mướt mát cầm những đóa cúc họa mi, cành hoa lê trắng, nhánh đào nụ sương phơn phớt má ửng môi cười mà sao như xao động cả đất trời.
Tết đoàn viên là tết mở ra đến tận cùng mọi bãi bờ, xóm mạc. Nước sông Hồng thơm mát. Cỏ sông Hồng xanh phơi mê mải. Vai em mềm như một tiếng chuông đêm. Nước sông Hàn xanh tĩnh lặng, xanh thẳm xanh như đáy lòng người yên tĩnh đến lạ thường. Nước sông Sài Gòn như dừng chảy, soi ngắm mình hay để những tòa cao ốc soi gương? Đám lục bình nhởn nhơ dắt tay nhau như đi xem hội mùa xuân. Sài Gòn - TPHCM đây ư? Mới chỉ thời gian trước phong thành căng thẳng. Căng thẳng đến mức cả nước hướng về thành phố mang tên Bác, hướng về máu mủ ruột rà trong những thời khắc cam go đại dịch hoành hành.
Và Xuân này tất cả đã bình yên.
Xuân đoàn viên, một mùa xuân tươi thắm và sâu sắc lạ thường. Sau mỗi đợt thiên tai địch họa, dịch bệnh bủa vây, mỗi con người dường như trưởng thành hơn, mỗi đất nước dường như mãnh mẽ hơn, sâu sắc hơn trong từng bước đi. Như Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta đã bao lần rũ bùn đứng dậy. Như màu cờ đỏ thắm máu anh hùng liệt sĩ mãi tung bay.
Xuân đến rồi! Ông bà ta, mẹ cha ta, vợ chồng con cái chúng ta, anh chị em thân thiết của ta xuân này đoàn viên bên nồi bánh chưng xanh nghi ngút khói, mắt cay nâng chén rượu nồng trong đất trời pháo hoa xuân. Đã tạm lùi, tạm lắng đi những dịch dã buốt lòng, những tháng ngày ngột ngạt.
Xuân đoàn viên mặt người ai nấy rạng hồng. Ai cũng nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Tổ tiên nguồn cội cũng thật gần trong câu hát mẹ ru ta lời của dòng sông, lời của núi đá, lời của chợ phiên, lời của lúa ngô khoai sắn. Cá tôm nơi lòng sông, nơi lòng biển như cũng rì rầm vẫy gọi xôn xao.
Xuân đoàn viên, biết bao người con Việt Nam dành thời gian trở về đón xuân nơi quê hương, đất nước. Trên năm triệu người Việt ở khắp hành tinh đều hướng về Tổ quốc trong một mùa xuân kết đoàn thắm sắc hoa mai, hoa đào, muôn sắc hoa xuân. Những người con Việt Nam dù ở đâu, làm gì, đều có chung một sắc cờ, một sắc xuân bất di bất dịch. Màu cờ đỏ ở trong tim. Sắc xuân càng tươi thắm trong ánh mắt. Thật diệu kỳ! Mùa xuân chính là mùa trở về của những người con xa xứ. Mùa xuân chính là điểm hẹn, là sự vẫy mời, là sự đầy lên thảo thơm tình nghĩa, đầy lên những khát khao và thành tựu đã trở thành dấu mốc mùa xuân. Đã và đang hình thành một thế hệ người Việt cũng là những công dân toàn cầu. Họ không chỉ làm giàu có tinh thần và vật chất, những giá trị văn hóa, những thành tựu khoa học cho riêng dân tộc Việt Nam mà đã góp vào những giá trị lớn của loài người. Càng trong lúc xuân về nồng ấm chúng ta càng thấy thật gần, thật rõ ràng điều đó.
Mùa xuân đến sớm nhất chính là mùa xuân ở trên quần đảo Trường Sa. Năm nào, các đoàn công tác của Trung ương và các địa phương đều đem mùa xuân tới Trường Sa thật sớm. Những người con Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, TPHCM, An Giang, Tiền Giang... khắp miền tới Trường Sa trong mùa xuân, trong các mùa biển yên, biển động. Họ mang hạt mướp, hạt dền, mồng tơi, rau sam, rau muống đến Trường Sa. Trên các mặt san hô, những giọt mồ hôi của người ở đất liền, của người ở biển lắng xuống mà thành cây, thành làng ở Trường Sa.
Trong không khí mùa xuân, tôi đã viết những câu thơ xin được gửi tặng người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc: “Những người con trăm miền ở Trường Sa/ Mặt trời mọc bình yên chân cột mốc/ Cây cau mẹ trao anh trồng góc sân chùa Nam Yết/ Hoa nở trắng thì thầm lá xanh giữa trời xanh - Những người con trăm miền ở Trường Sa/ Hương lúa hương cau thơm miếng trầu mẹ hái/ Tiếng chuông chùa đêm trăng như tiếng người em gái/ Sóng dựng Trường Sa sóng dựng trái tim mình... - Những người con trăm miền ở Trường Sa/ Cúc thắm đào phai thêm ấm nòng súng thép/ Mỗi người con một lá cờ Tổ quốc/ Một ngôi sao mang máu thịt Tiên Rồng” (Người Hà Nội ở Trường Sa).
Gió xuân thổi Tết đoàn viên ấm lại. Mà không còn riêng nữa mùa xuân. Đã và đang là mùa của vận hội mới, thành tựu mới, từ những khát khao của trăm triệu trái tim con dân đất Việt đang kết thành một khối chung sức chung lòng dựng xây và giữ gìn Tổ quốc vững mạnh, hùng cường…