Tết về, trong tiếng nhạc hòa âm

LÊ PHƯƠNG LIÊN 26/01/2023 07:18

Ngày đầu tiên của năm mới 2023, nhận được tin nhắn của con gái ở TPHCM gửi qua messenger: “Con đã đặt vé máy bay. Con và các cháu sẽ về ăn tết cùng ông bà!” Lòng tôi rộn lên cảm giác mừng rỡ xôn xao chuẩn bị đi sân bay Nội Bài đón các con, các cháu.

Tranh cắt giấy của họa sĩ Công Quốc Hà.

Bẵng đi 2 năm dịch Covid-19, chưa hề bước chân tới sân bay, nay niềm vui nhìn thấy cảnh tấp nập người đi, người về nhộn nhịp lại rộn lên trong tôi. Nghĩ vậy mà mở trang facebook lại nhìn ngay thấy cảnh cô cháu gái đón con trai và con dâu từ Canada trở về, mẹ con ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Sao tôi như nghe thấy bài “Happy New Year” của ban nhạc ABBA xao xuyến.

Bỗng nhiên trong ký ức hình ảnh mùa xuân năm 2020 trở về. Buổi sáng năm ấy, các siêu thị đông đúc người đi mua hàng nhu yếu phẩm để dự trữ. Tôi gặp những cặp vợ chồng trẻ trung đẩy những xe hàng chất ngất những thùng mì gói, giấy vệ sinh, đồ hộp, thịt cá đông lạnh, rau củ quả… Hình như các bạn trẻ nghe những thông tin tích trữ lương thực thực phẩm chống dịch từ tận châu Âu, châu Mỹ truyền lan qua mạng xã hội.

Dẫu những gương mặt đều đã bị khẩu trang che kín mà tôi cảm thấy những đôi mắt trẻ trung vẫn ánh lên vẻ tự tin: “Mọi chuyện rồi sẽ qua!”. Tôi bỗng nhớ về những gương mặt người Hà Nội năm 1972. Những người mẹ trẻ xanh xao gầy yếu gò lưng đạp xe trên những con đường lên dốc đê sông Hồng. Trên xe là những đứa con bé bỏng được bọc trong chăn ngồi trên ghế mây buộc vào cái xe đạp mảnh khảnh chất chứa túi quần áo, túi gạo, túi mì sợi… Những gương mặt thanh tú thời đó đưa con đi sơ tán với những ánh mắt vừa lo lắng vừa tin tưởng rằng: “Kẻ xâm lược sẽ thất bại”...

Trong tiếng “Tết” năm nay, sao tôi nghe thấy tiếng đàn bầu, tiếng sáo, tiếng đàn tranh, tiếng đàn tính... và có cả tiếng violin, tiếng piano, tiếng guitar... Những âm thanh đông tây đang hội tụ bên nhau. Tết truyền thống năm nay không chỉ có sự sum vầy của dân tộc Việt Nam mà chúng ta đang sum vầy đoàn viên với cả thế giới.

Mùa xuân năm 2020 đại dịch ập đến. Tất cả mọi người đều theo khẩu hiệu: “Ở nhà là yêu nước!”. Kẻ thù của sự sống con người trong thế kỷ 21 không đến trong tiếng còi báo động rú lên rú xuống, không to lù lù như cái máy bay B52. Kẻ thù ấy vô hình vô ảnh, hành vi của nó thật vi diệu gây ra cái chết hàng nghìn, hàng vạn người, hàng triệu người… Virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó đang lây nhiễm trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới văn minh của con người đồng lòng đưa ra giải pháp giãn cách xã hội. Người với người không được gặp nhau, không được tụ tập đông người, không được bắt tay, ôm nhau thân mật... Ngành hàng không trên thế giới bị khủng hoảng, các chuyến bay bị cắt giảm, máy bay “đắp chiếu”, hành khách vắng bóng... Chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa bị tác động mạnh. Nền kinh tế toàn cầu rung chuyển. Với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” năm 2020 trôi qua tưởng như Việt Nam đã chiến thắng Covid-19 nhưng mọi chuyện không đơn giản! Mùa hè năm 2021, TPHCM rung động với biến chủng Deta của virus SARS-CoV-2. Số ca lây nhiễm tăng lên hàng trăm, hàng nghìn rồi hàng vạn... Bệnh viện dã chiến liên tiếp được thành lập. Phố xá bị phong tỏa. Hàng nghìn cán bộ y tế từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Bộ đội tiến vào TPHCM để làm nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu cho người dân...

Những ngày ấy, tôi ở Hà Nội mà lòng như lửa đốt. Các con, các cháu của tôi đang sống trong tâm dịch. Tôi biết rằng các con tôi giờ đây phải sống trong khó khăn thử thách hơn cả tôi đã sống 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội. Cuộc chiến với một loại virus gây bệnh chết người, không chỉ là cuộc chiến của riêng một dân tộc nào, một quốc gia nào. Sự thâm nhập của virus không có biên giới. Nó khiến người sợ người. Gặp nhau, nói chuyện với nhau là lây nhiễm, là có thể tử vong. Nền công nghệ hiện đại đã vượt thoát khỏi sự ngăn trở đó bằng các giao tiếp trực tuyến qua internet. Công nghệ kết nối người với người vượt qua mọi biên giới, xóa nhòa mọi sự cách trở núi sông, biển cả. Để thực hiện sự cách ly chống dịch, các cháu nhỏ ở nhà học online, bố mẹ cũng làm việc online, mua bán online, nói chuyện với ông bà cũng online…

Bệnh dịch hoành hành dữ dội. Ca nhiễm Covid-19 đã tới từng tòa nhà chung cư. Mỗi lần nói chuyện với con cháu qua điện thoại thông minh, tôi hồi hộp nhìn thấy các cháu cười, các cháu khoe bữa trưa được ăn bún sườn, bữa tối có rau muống xào tỏi... Các cháu khoe những bức tranh mới vẽ, những trang vở tập viết chữ bằng bút chì, những bông hoa mới nở trong những chậu cây trồng trên ban công nhà chung cư. Niềm vui ấm lên trong tôi. Thế là các con cháu tôi đã biết sống vui tươi trong một đại dịch toàn cầu mà chưa nhìn thấy hồi kết. Rồi sự cách ly này kéo dài bao lâu? Bao giờ các cháu được đến trường? Bao giờ các chuyến bay được nối lại? Và nỗi băn khoăn lại đến: Tết này sẽ ra sao?

Cuộc chiến chống cái ác thời khoa học công nghệ phát triển đã khác thời chúng tôi đi xe đạp rất nhiều. Chống lại kẻ thù SARS-CoV-2 bằng vũ khí nào đây? “Thay vì nguyền rủa bóng tối, hãy thắp lên một ngọn nến!” (Benjamin Frankin). Các nhà khoa học trên thế giới đã bắt đầu cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19. Vaccine Oxfort AstraZeneca một trong những vaccine hiếm hoi đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp trên toàn thế giới để phòng chống dịch Covid-19 và cũng là vaccine phòng chống Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng vào ngày 1/2/2021. Chính phủ đã chủ động “ngoại giao vaccine”, đồng thời khẳng định: “Tiêm vaccine là một trong những giải pháp căn cơ, quyết định trong kiểm soát dịch Covid-19”. Một chiến dịch tiêm chủng chưa từng thấy đã diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hàng loạt các loại vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell… được sản xuất hàng tỷ liều trên thế giới chính là vũ khí quyết định chống lại Covid-19. Hàng triệu liều vaccine đã đến Việt Nam, đã cứu dân tộc Việt Nam và cả thế giới thoát khỏi đại dịch lịch sử.

Viết đến đây, tôi lại liên tiếp nhận được những tin vui. Cháu tôi ở Cộng hòa Liên bang Đức năm nay cũng về ăn tết với gia đình. Chú em chồng tôi ở Cộng hòa Séc năm nay cũng sẽ về Việt Nam ăn tết. Lại nghe tin: Ngành hàng không tăng chuyến phục vụ Tết Quý Mão! Tưởng như ở đâu đây tôi đang nghe thấy tiếng “Tết” đang đến gần. Tiếng những cành đào xôn xao trên tay những người đi chợ mua hoa. Tiếng lá dong, tiếng của những sợi lạt, tiếng của gạo, tiếng của đỗ xanh, của những miếng thịt tươi hồng đang sắp sửa được gói thành chiếc bánh chưng cổ truyền thân thuộc. Và, xa xa tôi như nghe thấy cả tiếng bước chân của các cháu tôi đi lên máy bay…

Một cái Tết Việt đoàn viên sum vầy bình dị, xưa xửa xừa xưa như bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu dâng lên vua Hùng đã đến. Trong tiếng “Tết” năm nay, sao tôi nghe thấy tiếng đàn bầu, tiếng sáo, tiếng đàn tranh, tiếng đàn tính... và có cả tiếng violin, tiếng piano, tiếng guitar... Những âm thanh đông tây đang hội tụ bên nhau.

Tết truyền thống năm nay không chỉ có sự sum vầy của dân tộc Việt Nam mà chúng ta đang sum vầy đoàn viên với cả thế giới. Các con tôi, các cháu tôi, các anh chị em tôi đang trở về trong âm thanh sự sống bình thường: Tiếng máy bay cất cánh ở mọi sân bay trên Trái đất. Đó chính là tiếng “Tết”. Năm nay, tiếng “Tết” của bản hòa ca đông tây hội ngộ.

LÊ PHƯƠNG LIÊN