Quê hương
Thế kỷ trước ở Việt Nam có nhiều bài hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nơi “chôn rau cắt rốn” mà mỗi con người chúng ta ai ai cũng muốn nhớ, muốn thuộc lòng. Trong số những bài hát để đời về quê hương đất nước ấy có một bài rất dễ hát, rất dễ thuộc mà ý tứ rất đầy đủ, phong phú vì nó hợp với đạo lý làm người.
Bài hát có những câu ai cũng thích, đó là: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày”, hoặc “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Cứ hát đi hát lại mãi, bài hát thấm dần vào mỗi chúng ta như một niềm vui máu thịt, một đạo lý làm người, một bổn phận, một trách nhiệm của một người dân đối với làng quê, đối với đất nước.
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Quê là: 1/ Nơi gia đình, dòng họ đã qua nhiều đời làm ăn, sinh sống, thường đối với mình có sự gắn bó tự nhiên về tình cảm. Thí dụ: Về thăm quê. Quê mẹ. Tình quê (tình cảm quê hương). “Buồn trông phong cảnh quê người” (Nguyễn Du). 2/ Nông thôn, nơi có đồng ruộng, làng xóm.
Thí dụ: Ở quê ra thành phố. Dân quê. 3/ Có tính chất quá mộc mạc, kém vẻ thanh lịch. Thí dụ: Cách ăn mặc còn hơi quê. “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” (Nguyễn Du)”. “Quê hương là: 1/ Quê của mình, là nơi có sự gắn bó tự nhiên về tình cảm. Thí dụ: Tình yêu quê hương. Trở về quê hương. 2/ Nơi đầu tiên sản sinh ra cái gì để từ đó phổ biến rộng ra đến những nơi khác. Thí dụ: Nam bộ là quê hương của điệu Lý ngựa ô”. “Quê quán là quê, là nơi gốc rễ của gia đình, của dòng họ. Thí dụ: Khai rõ quê quán. Rời bỏ quê quán đi làm ăn xa”.
Trong trái tim mỗi người Việt Nam, dù phải đi lao động vất vả ở nước ngoài, dù đi làm ăn xa nhà nhưng cứ đến ngày tết họ lại hướng về quê hương, hướng về làng xóm nơi họ đã sinh ra và lớn lên.
Thế kỷ trước, nữ thi sĩ Hằng Phương (1908 -1983) đã có những câu thơ rất hay về quê hương, đất nước: “Ai về cố quốc cho ta nhắn/ Gửi chút lòng thương nhớ núi sông” hoặc “Nhớ nơi làng xóm con con/ nhớ thương cây quế chon von trên đồi”.
Bàn luận về quê hương đất nước, về quê cha đất tổ, về quê hương bản quán... thì từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim hễ ai là người lương thiện đều tha thiết, đều vui sướng, đều hồ hởi mà nhắc đến nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Vì sao thế? Các nhà triết học sẽ giúp ta từ từ hiểu rõ.
Triết gia Edouard đã nói rất đúng: “Đối với mỗi con người, cái nhà của họ là lâu đài của họ”. Nếu thấu hiểu sâu sắc được ý tứ này về giá trị của ngôi nhà dù nghèo nàn, dù bé nhỏ nhưng trong đó có một gia đình ấm êm, hạnh phúc thì mới hiểu được rằng: Người ta có thể dùng cả tính mạng để bảo vệ ngôi nhà nơi “chôn rau cắt rốn” của mình.
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống kẻ thù xâm lược của ông cha ta, mọi kẻ thù ngoại bang không hiểu được văn hóa của nước ta nên chúng đều thất bại. Văn hóa ấy là gì? Là từng ngọn cỏ, từng tấc đất, từng ngôi nhà trong xóm, trong thôn, trong xã, trong từng khu phố, từng khu vực dân cư đều là xương máu của cha ông ta đã đổ xuống bao đời nay mới có được. Vì thế, giặc thua, giặc thất bại trong thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân, do những người nông dân, những người thợ, những người lao động quyết bảo vệ bằng được ngôi nhà bé nhỏ, xóm làng bé nhỏ, khu phố bé nhỏ nhưng rất đỗi thiêng liêng mà quân giặc không thể nào xâm phạm.
Trong trái tim mỗi người Việt Nam, dù phải đi lao động vất vả ở nước ngoài, dù đi làm ăn xa nhà nhưng cứ đến ngày Tết họ lại hướng về quê hương, hướng về làng xóm nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Trong giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa họ đều thắp hương khấn vái ông bà, tổ tiên cầu mong sự giúp đỡ về tâm linh, về tình cảm để họ vượt qua được những khó khăn ở nơi đất khách quê người. Những việc làm này một lần nữa đã khẳng định giá trị của gia đình, của làng quê luôn thường trực trong trái tim mỗi con người Việt Nam chúng ta. Quê hương là sức mạnh tinh thần, một sức mạnh tâm linh có thật đã nâng đỡ con người trên mọi bước đường đời vất vả, gian nan.
Càng nghiên cứu, càng đi sâu vào Quê hương, Đất nước người ta càng thấy nhiều điều thú vị cần khám phá.
Triết gia George Moore (1852 - 1933) đã phát hiện ra một chân lý hết sức vĩ đại và thiêng liêng khi ông khẳng định: “Một người đi khắp thế giới để tìm cái mình cần và chỉ tới khi trở lại quê hương anh ta mới tìm thấy nó”. Câu này của Moore được tranh luận rất nhiều, người bảo đúng, người bảo sai. Nếu đúng thì đúng đến đâu? Sai thì sai đến đâu?
Nhưng những hiện tượng sắp kể sau đây là có thật, là người thật việc thật. Một nhạc sĩ nổi tiếng ở thế kỷ trước của Việt Nam, đã bôn ba khắp thế giới để hành nghề, để sáng tác, để kiếm sống, khi thấy mình sức khỏe đã kém, ông về ở hẳn Việt Nam. Trả lời các hãng truyền thông lớn trên thế giới ông chỉ nói vắn tắt: “Lá rụng về cội mà. Làm gì có cái lá nào lúc úa vàng rụng xuống mà không rơi xuống gốc cây. Đó là quy luật tự nhiên mà”. Nói với anh em văn nghệ sĩ, ông nhạc sĩ già thổ lộ: “Dại gì mà không về nước để hưởng mọi vui thú mà tuổi trẻ mình đã bỏ phí. Bao nhiêu món ăn ngon. Bao nhiêu bạn bè tử tế, chung thủy đều đang có mặt ở đây cả”.
Đợt vừa qua, nhiều vị lão niên định cư ở nước ngoài cũng đã chọn về quê hương, về xã, về làng mua nhà, mua đất để hưởng thú điền viên. Hàng ngày các cụ tỉa cây, tưới hoa, ngắm hòn non bộ, ngắm cái thế rồng bay của một cây cảnh cổ thụ thì hỏi rằng có nơi nào trên trái đất này đáp ứng được ngoài quê cha đất tổ của mình.
Nhà hiền triết lừng danh của nước Anh, ngài George Byron (1788 - 1824) đã khẳng định một cách đanh thép rằng: “Kẻ nào không yêu quê hương mình thì kẻ đó chẳng có thể yêu cái gì cả”. Nhờ có lời dạy bảo nghiêm khắc của nhà đạo đức học danh tiếng này mà ta có ngay một công thức, một tiêu chuẩn để đánh giá một con người.
Suy nghĩ về gia đình, về quê hương, về đất nước là những suy nghĩ vô tận, không giới hạn vì nó chứa đựng toàn bộ khổ đau, hạnh phúc mà mỗi con người có thể có được. Vì thế nó rất phong phú, đa dạng, dưới mọi hình thức từ cụ thể đến trừu tượng, từ những cái có thể sờ mó được đến những cảm xúc tâm linh, từ những tâm lý đơn giản đến những suy xét phức tạp, có tính ẩn dụ cao.
Triết gia Augustin Hare (1834 - 1903) đã có một khẳng định tuyệt vời làm nức lòng biết bao con người: “Đối với Adam, Thiên đường là Quê hương. Đối với con cháu của Adam thì Quê hương là Thiên đường của họ”. Adam là ai? Adam là người đàn ông đầu tiên, theo truyền thuyết tôn giáo, được Thượng đế tạo ra trên Thiên đường. Tất cả mọi người trên trái đất đều là con cháu của Adam. Mãi mãi biết ơn Hare vì ông đã xác định giúp ta Thiên đường là có thật, Thiên đường đang có khi ta vẫn còn sống và ta đang được hưởng thụ. Có tác giả đã viết: “Thiên đường là tổng số những cái hôm nay và ở ngay trên quê hương mình”. Vì thế có thể viết thành công thức: Thiên đường = Hôm nay + Quê hương.
Khi đã xác định được Thiên đường là quê hương thì mỗi con người phải hiểu rõ được cái nghĩa vụ, cái bổn phận và sự đóng góp của mỗi cá nhân vào cái Thiên đường ấy.
Con người đang bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với biết bao khó khăn về biến đổi khí hậu, về dịch bệnh lan tràn, về thiếu lương thực, thiếu chất đốt. Hơn lúc nào hết, từng quốc gia, từng gia đình, từng cá nhân mỗi người càng phải hiểu rõ tình thế mới, trạng thái bình thường mới mà phấn đấu, mà cố gắng nhiều hơn nữa.
Trong suốt mấy ngàn năm xây dựng xã hội loài người, chiều hướng văn minh, tích cực, thắng lợi là xu hướng và xu thế của thời đại. Cái khó khăn của năm 2022 khác với những khó khăn của năm 2000. Bản thân từng con người cũng đã khác trước về trình độ, về sự giác ngộ cộng đồng. Bài viết này muốn nhắc nhở đến một sức mạnh cơ bản, một sức mạnh thiêng liêng vừa là vật chất vừa là tinh thần. Đó là lòng yêu quê hương, yêu đất nước, yêu làng xóm nơi “chôn rau cắt rốn” của mỗi chúng ta.
Để khép lại bài viết, không gì hơn là nhắc lại lời dặn dò của triết gia danh tiếng René Chateaubriand (1768 - 1848): “Có thể nói Thượng đế đã buộc chân mỗi người vào quê hương của họ bằng một sức mạnh không gì so sánh được”. Ai ai cũng hy vọng, nhờ có cái sức mạnh quê hương ấy mà lớn lên thành những người có ích cho quê hương, cho xã hội.