Nếu không nhanh, di sản sẽ biến mất

PHONG ĐIỆP (thực hiện) 01/02/2023 08:26

Năm 2022 là một năm đáng nhớ đối với nhà nghiên cứu Quyên Gavoye (Phạm Thị Thanh Quyên). Loạt bài “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” của chị đã vinh dự nhận Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Những tài liệu quý được công bố trong loạt bài viết giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm tháng hoạt động tại Pháp. Nhân dịp đầu năm mới nhà nghiên cứu Quyên Gavoye đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả về hành trình khám phá “kho báu” di sản văn hóa của dân tộc.

Nhà nghiên cứu Phạm Thị Thanh Quyên.

Tìm chiếc chìa khóa mở “kho báu” di sản

Điều quyến rũ nhất của di sản đối với chị là gì?

Nhà nghiên cứu PHẠM THỊ THANH QUYÊN: Việc nghiên cứu di sản giống như người đi khai mỏ. Cứ bóc tách từng vỉa quặng rồi một lúc nào đó người ta sẽ tìm được kho báu. Công việc của một chuyên gia di sản đối với tôi luôn bất ngờ và thú vị bởi sau mỗi chi tiết tôi nhặt lại được nhiều bất ngờ thú vị giải đáp những thắc mắc mà lịch sử còn cất giấu.

Nghiên cứu di sản là hoạt động có tính đặc thù và không phải ai cũng hiểu một cách thấu đáo. Chị có thể chia sẻ về công việc của mình?

- Công việc làm di sản đòi hỏi sự nhạy cảm trước tất cả các loại hình văn hóa. Không phải cái gì cũ cũng có thể ghép vào di sản và không phải cái gì nhìn thấy được mới là di sản cần bảo vệ. Tôi lấy một ví dụ đơn giản về di sản phi vật thể như điệu hát then của dân tộc Tày.

Nếu chúng ta không khẩn trương xếp hát then vào di sản để có chính sách phù hợp bảo vệ và phát triển thì một lúc nào đó vòng quay của cuộc sống sẽ bào mòn nét đẹp văn hóa đó. Thật may là điệu hát then đã được xếp hạng và nhờ đó không chỉ thúc đẩy ý thức bảo vệ và phát huy mà còn quảng bá được nét đẹp đó ra thế giới.

Vì vậy công việc của di sản không chỉ đơn giản là bảo tồn, bảo tàng mà còn có cả việc xây dựng chiến lược phát triển và quảng bá mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Điều chị chia sẻ khiến tôi nhớ đến chuyện buồn của một số di sản sau khi được vinh danh, vì không bảo tồn, gìn giữ được nên cuối cùng chấp nhận sự bào mòn và biến mất...

- Không chỉ có những di sản được xếp loại bị lãng quên, hàng ngày chúng ta còn chứng kiến biết bao nhiêu di tích khác bị huỷ hoại bởi sự vô tâm, vô tình hoặc do không đủ nhận thức giá trị của các di tích.

Như câu chuyện của những cổng làng bị bỏ quên hay đập đi xây mới mà không màng đến việc khôi phục lại những cổng làng xưa cũ. Thực sự đối với những người làm di sản, đứng trước sự “lãng quên” như thế, chúng tôi thấy rất đau lòng.

Mỗi di sản đều đang cất giấu rất nhiều câu chuyện cần được thế hệ sau giải mã. Vậy theo chị phải làm thế nào để chúng ta có thể mở được cánh cửa vào “kho báu” vô giá ấy?

- Một di sản chỉ có giá trị khi nó có thể tồn tại bền vững cùng thời gian, đồng thời phải góp phần phục vụ lợi ích của cộng đồng. Vai trò của người làm di sản văn hóa chính là tạo ra chiếc chìa khóa để những thế hệ sau có thể tiếp tục bảo vệ, phát triển với mục đích khai thác tối ưu những giá trị của di sản đó.

Chính với ý niệm đó, người làm di sản ngoài việc chú trọng bảo tồn di sản thì còn cần phải tham gia mạnh mẽ vào việc quảng bá, tuyên truyền những lợi ích của việc bảo tồn, đồng thời cũng cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành có những kế hoạch giáo dục nhằm phát triển ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn và khai thác hợp lý di sản. Chỉ khi chúng ta làm được tất cả điều đó một cách đồng bộ thì di sản mới có ý nghĩa và cộng đồng mới có ý thức gìn giữ.

Chị vừa đề cập đến một ý rất hay, đó là người làm di sản ngoài việc chú trọng bảo tồn di sản thì còn cần phải tham gia mạnh mẽ vào việc quảng bá, tuyên truyền những lợi ích của việc bảo tồn...

- Thực ra công việc quảng bá không đơn giản như chúng ta nghĩ, người làm quảng bá không phải tự dưng mà có thể làm, tất cả đều phải trải qua một quá trình học hỏi và trau dồi kiến thức. Vì thế ngoài việc chú trọng kiến thức chuyên ngành, theo tôi các ngành nên chú trọng đến việc đào tạo thường niên những kiến thức bên lề để phục vụ cho nghề, thậm chí là học thêm những ngành nghề không liên quan. Tôi đã từng được đi học huấn luyện về kỹ thuật makerting hàng hóa để áp dụng vào văn hóa, bởi di sản cũng có thể mang lại lợi nhuận.

Cơ hội để tự hào về nguồn gốc của mình

Sau loạt bài nghiên cứu ấn tượng “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” được độc giả hết sức quan tâm chị có thể tiết lộ dự án nghiên cứu sắp tới của mình?

- Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu những tài liệu liên quan đến Việt Nam với vai trò của người làm việc trong lĩnh vực di sản và với trái tim của một người con quê hương. Tất nhiên, mục đích sâu xa sẽ là giới thiệu với bạn bè quốc tế về Việt Nam dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Tôi tò mò về “góc nhìn khác nhau” mà chị vừa đề cập?

- Điều tôi muốn nói ở đây chính là đừng chỉ chú trọng giới thiệu một mảng nào đó, chúng ta hãy quảng bá đất nước dưới nhiều góc độ bằng những sản phẩm có chất lượng. Cùng với việc giới thiệu với bạn bè về quá khứ anh hùng của dân tộc ta, tôi còn giới thiệu với họ những sự khác biệt của Việt Nam, chẳng hạn như các thành tích thể thao, các tác phẩm văn học hay những bài hát dân ca… Có rất nhiều thứ để quảng bá về hình ảnh Việt Nam.

Quyên Gavoye tên khai sinh là Phạm Thị Thanh Quyên, sinh năm 1980. Chị là chuyên gia về di sản, đồng thời là một nhà văn. Hiện chị đang sinh sống và làm việc thành phố Besançon (Cộng hòa Pháp). Ngày 5/11 vừa qua, loạt bài “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” của chị đã vinh dự nhận Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII.

Qua quan sát của chị, văn hóa Việt Nam đã và đang tạo dấu ấn như thế nào với công chúng Pháp, đặc biệt là thế hệ trẻ?

- Nói đến Việt Nam, những người bạn quốc tế, cả người Pháp và những người nước ngoài sống tại Pháp, đều nghĩ ngay tới hình ảnh của một đất nước với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với thiên nhiên trù phú và với hình ảnh “rồng bay” của vịnh Hạ Long, nhưng hiếm ai biết rằng Việt Nam cũng là đất nước của rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ, của những sản phẩm dệt may và các công nghệ khoa học khác.

Muốn quảng bá được hình ảnh Việt Nam nhiều hơn, theo tôi chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được mục đích tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để quảng bá văn hóa dân tộc liên quan đến lĩnh vực di sản, chúng ta cần phải làm gì?

- Văn hóa dân tộc ẩn chứa một tiềm năng kinh tế vô cùng to lớn nếu như chúng ta biết khai thác. Một trong những cách khai thác đó chính là quảng bá để mọi người biết đến nó một cách sâu rộng. Muốn như thế chúng ta cần có chính sách hợp lý và đồng bộ.

Thách thức, khó khăn lớn nhất đối với các chuyên gia di sản như chị là gì?

- Đối với những người làm di sản thì thời gian luôn là thách thức lớn. Thời gian xây dựng và phát triển cuộc sống nhưng thời gian cũng bào mòn rất nhiều thứ trong đó có di sản. Nếu chúng ta không hành động kịp thời thì có rất nhiều thứ sẽ biến mất và cùng với đó là trí nhớ của tập thể cũng biến mất.

Có một thực tế là không nhiều người trẻ hào hứng với chuyên ngành di sản vì vừa khó, vừa vất vả. Thiếu đội ngũ kế cận cũng là một nguy cơ mà chúng ta cần tính đến. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

- Đó là một thực tế mà rất nhiều ngành chứ không cứ gì ngành di sản đang phải đối mặt. Lý do không phải lỗi của giới trẻ mà do chúng ta thiếu chính sách chiêu đãi người tài và người có tâm cho ngành. Cách tốt nhất là phải nâng tầm giá trị của ngành nghề cho phép họ có thể tự hào về công việc cũng như cho phép họ có thể sống được bằng đam mê nghề nghiệp.

Một kỷ niệm nghề nghiệp ấn tượng mà chị muốn chia sẻ lúc này?

- Trong cuộc trò chuyện về văn hóa Việt Nam ở một trường học tại Pháp, một bé gái tóc vàng, da trắng hồng, đôi mắt màu xanh lơ đứng lên giữa lớp đầy vẻ tự hào và giới thiệu với mọi người rằng em là người gốc Việt Nam (bà ngoại em là người Việt Nam), tôi đã rất xúc động bởi điều đó có nghĩa là những gì tôi quảng bá về quê hương của mình đã chạm vào trái tim con trẻ, cho chúng cơ hội để tự hào về nguồn gốc của mình.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

PHONG ĐIỆP (thực hiện)