Không còn người trong Bộ phận kiểm toán nội bộ, FLC lại muốn miễn nhiệm thêm thành viên HĐQT
FLC dự kiến tổ chức ĐĐCĐ bất thường thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Đặng Tất Thắng.
"Biến động" nhân sự cấp cao
Tập đoàn FLC (FLC Group, MCK: FLC) vừa công bố tài liệu cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường. FLC cho biết dự kiến tổ chức chương trình vào sáng 5/2 tại tòa nhà Bamboo Airways.
Theo chương trình dự kiến, đại hội bất thường lần này sẽ miễn nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Đặng Tất Thắng.
Ông Đặng Tất Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam hồi cuối tháng 3/2022 và nắm giữ chức vụ này cho đến ngày 2/7/2022 khi FLC tổ chức ĐHCĐ bất thường và ông Lê Bá Nguyên được bầu làm Chủ tịch.
Từ ngày 29/7/2022, ông Đặng Tất Thắng từ nhiệm tất cả chức vụ tại Tập đoàn FLC cũng như hãng hàng không Bamboo Airways.
Ngoài ra, đại hội sắp tới dự kiến sẽ bầu bổ sung hai thành viên HĐQT. HĐQT của Tập đoàn FLC hiện có 4 người bao gồm: Chủ tịch Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch Bùi Hải Huyền, Phó Chủ tịch Doãn Hữu Đoàn, và Thành viên Lê Thái Sâm.
Liên quan đến nhân sự của FLC, ngày 10/1, tập đoàn này thông báo về việc đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Bộ phận kiểm toán nội bộ của bà Trần Thị Mỹ Dung vì lý do cá nhân.
HĐQT FLC sẽ tiến hành họp và xem xét thông qua việc thôi giữ chức vụ của bà Dung theo quy định pháp luật và điều lệ công ty hiện hành.
Đáng chú ý, đơn từ nhiệm của bà Dung được đưa ra 4 ngày sau khi ông Nguyễn Mạnh Cường từ chức phụ trách bộ phận kiểm toán nội bộ của FLC với lý do tương tự.
Đây là 2 thành viên được HĐQT Tập đoàn FLC chọn để thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ.
Bộ phận Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT được thành lập vào ngày 26/10/2021. Với việc ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Trần Thị Mỹ Dung từ nhiệm, hiện không còn ai ở bộ phận kiểm toán nội bộ của FLC.
Thu không đủ bù chi
Việc biến động nhân sự diễn ra trong bối cảnh FLC đang củng cố đội ngũ nhân sự cấp cao, hướng tới mục tiêu sắp xếp, cải tổ toàn diện và mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Về tình hình kinh doanh, theo công bố gần đây nhất của FLC, trong quý III/2022, tập đoàn báo doanh thu thuần đạt 429 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.
Thu không đủ bù chi khiến FLC lỗ ròng 785 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng năm 2022 lên 1.891 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, FLC đã liên tục nhận được các quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế các tỉnh thành.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian tháng 8-9/2022, FLC bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế thuế tổng cộng hơn 672 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 8/2022, tập đoàn này bị Chi Cục Thuế TP Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa) ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền 130,8 tỷ đồng.
Tháng 9/2022, Cục Thuế TP Hà Nội cũng tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với FLC.
Vì chưa có báo cáo tài chính soát xét và báo cáo thường niên năm 2021, tập đoàn này vẫn chưa thể tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022. Do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về công bố thông tin, cổ phiếu FLC cũng đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9/2022.