Về Đất Mũi

NGUYỄN TRỌNG VĂN 03/02/2023 07:18

Xe vừa dừng, Đất Mũi Cà Mau đón chúng tôi bằng một cơn mưa nhẹ, cảm giác sảng khoái ùa tới. Trước mắt chúng tôi là một khung cảnh xanh và xanh đến ngợp mắt. Trời quang sau mưa, vòm trời cao lồng lộng, mát màu xanh bao la. Nắng chợt bừng lên rực rỡ, dưới nắng rợp lên màu xanh của rừng tràm, rừng đước.

Rừng và biển nhìn từ cột cờ Đất Mũi.

Ngày trở lại

Tôi đứng lặng hồi lâu, đầu tiên là ngỡ ngàng đến không nhận ra. 16 năm trước, cũng vào một ngày trời cao xanh, nắng vàng rực rỡ như thế này, tôi lần đầu được về Đất Mũi. Chuyến về Đất Mũi hôm đó hoàn toàn tình cờ bởi lẽ theo lịch trình công tác thì chúng tôi chỉ tới thành phố Cà Mau.

Nhớ hôm vừa tới thành phố Cà Mau, trời đã dần tối, trong ánh sáng mờ ảo của buổi hoàng hôn, nhóm làm phim chúng tôi cùng đứng bên cột cây số cuối cùng của quốc lộ 1. Tôi vui đùa nói to: “Vậy là chúng ta đã đến điểm cuối”. Câu nói của tôi khẽ vẳng lên cao và từ trên cao như có ai đó đang cười và vọng xuống câu trả lời, hay chính xác hơn là câu nhắc nhở: “Chưa phải điểm cuối đâu. Đến Cà Mau mà chưa về Đất Mũi là chưa tới điểm cuối”. Tôi ngơ ngác nhìn lên, chỉ có vòm trời vào đêm le lói mấy vì sao mọc sớm.

Thế là chúng tôi sau khi hoàn thành công việc đã quyết định phải “về Đất Mũi”. Theo gợi ý của những người bạn đồng nghiệp ở Đài Phát thanh Truyền hình Cà Mau nên chúng tôi quyết định thuê một chuyến ca nô cao tốc. “Từ thành phố ra tới Đất Mũi chừng hơn trăm km đường sông đó anh”, cô Liên - một người dân thành phố mà chúng tôi mới quen sáng qua khi chúng tôi ghé cửa hàng của cô để mua mấy đồ lặt vặt, cô Liên tự nguyện sáng nay đóng cửa hàng và tình nguyện dẫn chúng tôi về thăm Đất Mũi. Cô bảo: “Nghỉ bán hàng một hôm không sao. Được đưa các anh Hà Nội về thăm Đất Mũi là em vui rồi”.

Chiếc ca nô cao tốc nổ máy rồi rẽ nước lao đi. Thú thực ban đầu chúng tôi cũng thấy hơi lo lo vì đây là lần đầu tiên được ngồi ca nô cao tốc. Được cái là có sự “an ủi” của cô Liên nên chúng tôi rồi cũng quen dần.

Ca nô lướt như bay trên mặt nước, hăm hở xuôi về phía biển. Khi thì là qua một khúc sông rộng, lúc thì luồn lách trên những kênh rạch nhỏ. Hai bên bờ kênh, là bạt ngàn những cây đước buông chùm rễ nhìn như hệt những ngón chân đang tõe ra bấm vào bùn nước. Cô Liên nói to: “Cây đước có công lớn lắm đấy mấy anh”. Tôi cũng nói hỏi lên: “Công lớn lắm là sao?”. “Thì là cây đước sống chặt với sông nước, bền bỉ vươn ra biển và giữ cho đất không bị biển xâm nhập. Đất đai xứ này đều do cây đước giữ cho đấy”, cô Liên đáp.

16 năm qua nhanh, trở về Đất Mũi hôm nay có bao xúc động. Giờ đây từ thành phố Cà Mau mọi người hoàn toàn thảnh thơi ngồi trên ô tô để về Đất Mũi. Đường Hồ Chí Minh với cột mốc đầu tiên ở Pắc Pó (Cao Bằng) chạy dọc nước Việt, vươn tới Đất Mũi Cà Mau. Con đường như một minh chứng cho sự xuyên suốt của đất nước và cũng là minh chứng cho non sông liền một dải của Tổ quốc Việt Nam.

Hình tượng con tàu Tổ quốc vươn ra biển lớn.

Diện mạo mới vùng Đất Mũi

Giờ thì du lịch Đất Mũi đã thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Được biết, khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100 ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100 ha. Đây là khu vực vùng lõi của Vườn Quốc gia Cà Mau (thành lập năm 2003), được tập trung phát triển là trung tâm hạt nhân của khu du lịch quốc gia với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn; bao gồm các khu chức năng chính: Khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, khu du lịch sinh thái rừng biển, khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và khu du lịch tổng hợp.

Từ điểm dừng chân, chúng tôi lên xe điện để tới các điểm du lịch. Lúc còn ngồi trên ô tô, ông Huỳnh Công Danh, người con Bạc Liêu và là chàng rể Cà Mau giới thiệu: “Cột cờ Đất Mũi được thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng. Cột cờ cũng là phiên bản của cột cờ Hà Nội. Ta sẽ tới đó đầu tiên. Bạn nào khỏe thì cố gắng lên đỉnh cột cờ. Lên đó để thấy Tổ quốc nơi Đất Mũi đẹp đến nhường nào”.

Vậy là, tôi tự cho mình là người “khỏe” để cẩn trọng đặt từng bước chân lên 268 bậc cầu thang để lên đỉnh cột cờ cao 45m này. Đúng như ông Danh đã nói. Từ trên đỉnh cột cờ, tôi đưa mắt làm một vòng 360 độ. Đúng là lên cao mới thấy hết những gì khi ở dưới mặt đất không thể nhìn thấy được. Vùng biển nơi Đất Mũi như được chia làm hai bên: đông và tây. Phía đông là biển Đông hùng vĩ vươn xa tới Thái Bình Dương.

Còn phía tây là Vịnh Thái Lan, là “Biển Tây” như cách gọi của người dân Cà Mau. Nhớ, cũng ông Danh đã nói: “Nếu có thời gian thì lên đỉnh cột cờ ngắm bình minh lên ở phía đông đỏ hồng và gần như với tay là tới. Rồi khi hoàng hôn xuống, thì quay về phía tây nhìn mặt trời từ từ lặn xuống biển Tây”. Tiếc là không được ngắm mặt trời lên và mặt trời lặn, nhưng được đứng trên đỉnh cột cờ Đất Mũi nhìn xa trông rộng bốn phương tám hướng cũng đủ mãn nguyện lắm rồi.

Không chỉ có cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, mà trong khuôn viên Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau còn có đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ Âu Cơ đang bồng con trên tay hướng về biển Đông. Đây được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và là một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau. Hình tượng Mẹ Âu Cơ cạnh đền thờ Lạc Long Quân tại vùng đất cực Nam Tổ quốc - nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”, là sự tri ân của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi. Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ Âu Cơ mãi là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ con cháu người Việt luôn giữ mãi niềm tin và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nền độc lập và sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Nhóm những “cô gái” trong đoàn chúng tôi vội vàng tháo khăn che nắng, rồi ríu rít gọi nhau sắp thành hàng dưới chân tượng Mẹ Âu Cơ. Nhìn những người phụ nữ thành kính nghiêm trang tề tựu dưới chân Mẹ, trong tôi dấy lên bao cảm xúc. Để có được “non sông liền một dải” của ngày hôm nay, những người phụ nữ Việt Nam từ xa xưa cho tới hiện nay đã phải biết bao hy sinh, biết bao tần tảo. Thành kính dưới chân Mẹ Âu Cơ ở nơi tận cùng của Tổ quốc là một tự hào dễ gì có được.

Lần trước về Đất Mũi lòng tôi có chút chạnh buồn khi thấy sóng biển ngày ngày xâm lấn vào đất đai. Tuy hồi đó chính quyền địa phương đã có những giải pháp chống xói lở nhưng hiệu quả không cao bởi những thân cây đước dù bền bỉ dẻo dai cũng chưa đủ để ngăn sóng biển. Hôm nay, trước mắt tôi là công trình chống xói lở đã được bê tông hoá, có tính vĩnh cửu cao.

Chính nhờ hệ thống bê tông chống xói lở này mà khu du lịch Đất Mũi được chỉnh trang, được xây dựng khá hoàn thiện. Nếu như 16 năm trước chúng tôi phải đi bộ trên những lối mòn để tới tọa độ mốc giới quốc gia, hay tới hình tượng con tàu Tổ quốc vươn ra biển lớn, thì hôm nay mọi người cũng có thể đi bộ để chiêm nghiệm các điểm tham quan mới được xây dựng, cũng có thể ngồi trên xe điện để được đến, được tới nhiều hơn những “dấu tích” đất nước ở nơi cuối cùng của dải đất hình chữ S.

Có ai đó đã nói: “Đất Mũi là nơi dành cho du lịch xanh”. Tôi thì muốn bày tỏ: “Đất Mũi còn là sự trở về. Về Đất Mũi. Về để thêm yêu, thêm tin”. Nhớ lúc đứng trên đỉnh cột cờ Mũi Cà Mau, tôi phóng tầm mắt thấy màu xanh của trời, thấy màu xanh của biển và hiển hiện trong tôi là màu xanh của rừng đước mênh mông. Cây đước không chỉ là hiện thân của sức vươn, không chỉ là biểu tượng của sức sống mà cây đước chính là cuộc sống, là con người của vùng đất phương Nam.

NGUYỄN TRỌNG VĂN