Tết vui, Tết khỏe
Đón tết “bình thường mới” đầu tiên sau mấy cái tết “mắc kẹt” vì Covid-19, chắc chắn sẽ có nhiều lý do để chúc tụng. Trong cuộc vui của sự đoàn viên, sum họp, chuyện ăn uống là khó tránh khỏi. Vậy làm gì để đón tết vui, tết khỏe?
Những triệu chứng thường phát sinh
Theo các chuyên gia y tế, có một số bệnh thường phát sinh vào dịp Tết.
Rối loạn tiêu hóa: Đây là tình trạng thường gặp vào dịp Tết. Người bệnh thường có biểu hiện đau bụng sau khi ăn, chướng bụng đầy hơi, khó tiêu. Có thể xuất hiện nôn, buồn nôn, tiêu chảy. Rối loạn tiêu hóa được hiểu là tình trạng ăn uống quá nhiều, vượt qua khả năng tiêu hóa và hấp thụ bình thường của cơ thể, bắt buộc cơ thể phải đào thải bớt thức ăn ra ngoài.
Với triệu chứng này thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn, có thể cho người bệnh uống men tiêu hóa, nhai một ít gừng tươi, ăn các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ cho tiêu hóa như sữa chua… và đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn để hệ thống dạ dày ruột hoạt động hiệu quả hơn. Nếu sau đó các triệu chứng vẫn không đỡ thì có thể đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Ngộ độc thực phẩm: Do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dịp lễ tết tương đối phức tạp, trong khi đó mọi người có xu hướng ăn uống nhiều hơn, ăn uống nhiều loại thực phẩm khác nhau cùng một thời điểm. Nhiều người có thể bị ngộ độc thực phẩm. Đa phần có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, sốt nhẹ và mệt mỏi nhiều…
Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, cần ngay lập tức ngưng sử dụng các thực phẩm nghi ngờ và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà hay dùng các loại thuốc dân gian hay thuốc tây để làm cầm tiêu chảy hay giảm nôn mửa.
Dị ứng thực phẩm: Tết là dịp mà mọi người dành thời gian chế biến những món ăn mới lạ hấp dẫn. Tuy nhiên đối với nhiều người có cơ địa dị ứng thì đây chưa hẳn là ý hay. Nhiều người khi ăn thực phẩm lạ nhất là hải sản lạ có biểu hiện ngứa toàn thân, nổi mẩn, hoặc các đốm xung huyết, xuất huyết. Nặng hơn có thể khó thở và tím tái cần cấp cứu ngay.
Viêm tụy cấp: Phần lớn tất cả các trường hợp viêm tụy cấp đều xuất hiện sau một bữa ăn giàu dinh dưỡng. Người bệnh có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, nôn ói dữ dội, người mệt lả kèm theo sốt và nhịp tim nhanh… Những trường hợp này nên đưa đi viện cấp cứu ngay.
Tăng đường máu đột ngột: Những ngày Tết quả là những ngày khó khăn với người bệnh tiểu đường trong việc duy trì và kiểm soát chỉ số đường máu. Các món ăn đặc trưng ngày tết như bánh chưng, bánh tét, mứt… thường có hàm lượng đường và tinh bột cao. Việc ăn các thức ăn này với lượng nhiều không kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng đường máu tăng cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Các cơn gout (gút) cấp: Cũng giống như viêm tụy cấp, gout cấp cũng xảy ra sau bữa ăn giàu dinh dưỡng và chất đạm. Các cơn gout cấp đa phần khởi phát vào ban đêm với đặc trưng sưng nóng đỏ đau khớp bàn ngón chân cái.
Tăng huyết áp: Là một trong các bệnh thuộc nhóm rối loạn chuyển hóa, bởi vậy chịu rất nhiều ảnh hưởng từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Việc sử dụng rượu bia, chất kích thích, các thức ăn sẵn đóng hộp, các loại thực phẩm muối chua, đồ ăn nhiều dầu mỡ là nguyên nhân khiến cho chỉ số huyết áp tăng cao.
Các vấn đề về bệnh tim mạch: Hàng năm mỗi dịp lễ tết số ca nhập viện cấp cứu về bệnh lý tim mạch trong đó có nhồi máu cơ tim, đột quỵ tăng đột biến. Đây phần nhiều là hậu quả của tình trạng tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng rối loạn chuyển hóa…
Cẩn thận ngộ độc rượu, bia
Cùng với ăn nhiều, ngày Tết mọi người cũng uống nhiều hơn. Trong đó, uống rượu, bia khá phổ biến. Đặc biệt trong khi đi chúc tết, chúc nhau ly rượu mừng xuân diễn ra ở nhiều nơi, thời gian kéo dài. Đáng ngại, việc uống nhiều loại rượu và các loại bia cùng lúc không tốt cho cơ thể.
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng rượu bia quá mức trong dịp tết làm tăng nguy cơ có hại cho sức khỏe, đặc biệt lá gan sẽ bị làm việc quá tải, từ đó những độc tố không được thanh lọc khiến cơ thể dễ bị ảnh hưởng.
Riêng các loại rượu thuốc bổ rất mạnh (thường sử dụng rượu 40 độ), công dụng chính là bổ nên cần uống 10-15ml/lần thì mới đạt tác dụng. Nếu uống nhiều thì người dễ bốc hỏa, bứt rứt, khó ngủ, chảy máu cam...
Trong những trường hợp uống nhiều loại rượu khác nhau, đặc biệt là rượu thuốc, rất dễ xảy ra tương tác, đối chọi vì mỗi loại có thành phần, liều lượng khác nhau và cực kỳ nguy hiểm nếu ngộ độc rượu xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong, đặc biệt khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.
Trong các ngày Tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan…
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Khi đã uống rượu bia, tuyệt đối không lái xe.
Nếu uống rượu bia, có thể sử dụng một số dược liệu hỗ trợ việc giải rượu như sau:
- Sắn dây: Đây là một loại thuốc được ứng dụng nhiều nhất để giải rượu. Sắn dây có thể cải thiện các rối loạn chuyển hóa, trao đổi chất do rượu gây ra. Sau khi say rượu có thể sử dụng 10 - 20g sắn dây để giải rượu.
- Đậu xanh và cam thảo: Nấu 50g đậu xanh, 10g cam thảo, bỏ lượng đường, nước vừa đủ. Tác dụng giảm nôn, bảo vệ gan, làm cho mau tỉnh sau say rượu.
- Nước mật ong: Thành phần chủ yếu là đường fructose, có khả năng thúc đẩy phân hủy và hạn chế hấp thu cồn hiệu quả, từ đó làm giảm nồng độ cồn trong máu, giúp tinh thần nhanh tỉnh táo, loại bỏ đau đầu, chóng mặt, cảm giác nôn nao sau khi uống rượu.
- Dưa hấu: Uống 10 - 15g nước ép vỏ dưa hấu sau khi uống rượu làm giảm nôn nao, chóng mặt, đau đầu, nôn ra nước chua sau uống, lợi tiểu tiện, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu.
Lưu ý với hạt hướng dương
Hạt hướng dương là thứ hạt phổ biến trong dịp Tết. Tuy nhiên, loại hạt này dễ bị nấm mốc do có nhiều tinh dầu. Không chọn kỹ, dễ mua phải loại hạt kém chất lượng, nguy hại hơn là nấm mốc còn làm xuất hiện các chất gây ung thư như aflatoxin, ozchatoxin…
Vì thế, khi mua hạt hướng dương đã được làm chín: Phải mua ở nơi bán hàng uy tín. Hạt được đóng gói kín, đảm bảo chất lượng. Có nhãn mác rõ ràng, có ghi thời hạn sử dụng cụ thể.
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra, hạt hướng dương giàu chất béo lành mạnh, chứa nhiều chất xơ, protein, sắt, vitamin E và một số vitamin B tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên chỉ nên dùng với liều lượng hợp lý, nếu không sẽ có hại cho cơ thể. Ăn khoảng 28gr hướng dương, bạn đã nạp vào cơ thể 175 calo. Nếu “vui miệng” trong vài chục phút, chúng ta có thể ăn gấp 4-6 lần số hướng dương ấy, đồng nghĩa với việc nạp vào cơ thể tới 875-950 calo, chưa tính đến các nguồn thực phẩm khác sẽ được nạp vào trong ngày.
Bản chất hạt hướng dương không gây táo bón nhưng khi trẻ nhỏ cắn dễ nuốt cả vỏ vào bên trong. Số vỏ này sẽ khiến trẻ bị ho, hóc hoặc lẫn vào trong phân gây tình trạng táo bón.
Ngoài ra, tiêu thụ nhiều hướng dương cũng có khả năng gây ra vấn đề sức khỏe khác như phát ban, ngứa đối với một số người dễ dị ứng.