Dưới mái nhà chung
Năm 2022, đất nước phải đương đầu với vô vàn thử thách khi dịch bệnh chồng dịch bệnh, xung đột Nga - Ukraine, thiên tai, lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong những thời khắc cam go ấy, với sứ mệnh của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục là mái nhà chung tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Đó cũng là khẳng định của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ khi về trong mái nhà Mặt trận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cán bộ Mặt trận - những hạt nhân quan trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết
Tại buổi gặp mặt 63 đại biểu về dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm, tận tuỵ, hoạt động bền bỉ, sáng tạo, đoàn kết, gắn bó với cộng đồng, với người dân của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đội ngũ cán bộ Mặt trận là những người có uy tín cao, là hạt nhân quan trọng, tích cực ở cơ sở đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nêu rõ quan điểm “dân là gốc” làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng thời gian tới, MTTQ các cấp, cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp ủy đảng, chính quyền.
“Muốn người dân tin yêu hơn, hỗ trợ, giúp đỡ Mặt trận nhiều hơn, mỗi cán bộ Mặt trận cần tích cực gần dân, gương mẫu, đi trước, đi đầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hướng dẫn nhân dân trong các công việc của cộng đồng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, không sợ khó, sợ khổ, bởi những gì chúng ta làm, cống hiến sẽ được người dân ghi nhận” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đoàn kết làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với đồng bào các dân tộc liên khu dân cư ba xã: Khổng Lào, Mường So, Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhắc lại câu tục ngữ đã được ông cha ta đúc kết từ nhiều đời nay: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đoàn kết là truyền thống quý báu, được hun đúc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam. Theo Chủ tịch nước, 92 năm qua, từ khi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc trong cả nước luôn một lòng đi theo Đảng để xây dựng sự nghiệp cách mạng. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Càng khó khăn phải càng đoàn kết, thống nhất
Từ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của Liên ấp Nhơn Thọ 1, Nhơn Thọ 1A, Nhơn Thọ 2 (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta.
Thủ tướng nhấn mạnh: Với tinh thần đại đoàn kết, mọi khó khăn đều có thể hóa giải. Càng trong khó khăn, càng phải đoàn kết. Đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, trong Đảng, trong nhân dân, trong ý chí và hành động, trong nhận thức và tổ chức thực hiện. “Đoàn kết từ cơ sở, mỗi thôn xóm đoàn kết thì có đoàn kết xã phường, mới có đoàn kết huyện, thị, tỉnh, thành”, Thủ tướng nói: “Lúc đó, chúng ta mới “Thành công, thành công, đại thành công”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguyên tắc sống còn
Tại cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội khóa XV là người dân tộc thiểu số, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng và Nhà nước luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nguyên tắc “sống còn” đối với nước ta - một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc anh em. “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta được cấu thành bởi mọi người dân trong tất cả dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, bộ phận xã hội khác nhau. Mỗi giai tầng, bộ phận đều đóng góp một vai trò nhất định, tạo nên sức mạnh tổng hợp, được Đảng ta trân trọng và phát huy tối đa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến: Mỗi người Việt Nam phải có trách nhiệm gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Nói chuyện với đồng bào các dân tộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, trong những lúc đất nước khó khăn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã giúp chúng ta vượt qua tất cả. Cuộc chiến đấu cam go đại dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng sinh động. Nhấn mạnh, truyền thống đại đoàn kết đã được cha ông ta xây dựng, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, đó là tài sản mà mỗi người dân Việt Nam phải cùng nhau có trách nhiệm gìn giữ, phát triển. Đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, đoàn kết trong Đảng, trong xã hội, trong các tầng lớp nhân dân. Có như vậy thì việc khó mấy cũng có thể làm được, khó khăn mấy cũng vượt qua.