Tết xa nhà
Trong cuộc đời mình, tôi đã từng trải qua gần hai mươi cái Tết xa nhà. Mỗi năm một vẻ, song đó mãi là những thời khắc không bao giờ quên được.
Năm 1968, khi còn đang học tiếng tại thành phố Út-dơ, Ba lan, cánh sinh viên mới mười tám, mười chín tuổi như bọn tôi đã trải qua cái Tết đầu tiên ở trời Âu, xa nhà, xa quê hương tới hàng vạn dặm. Trời thì đang giữa mùa đông, tuyết phủ dày, trắng xoá trên khắp các mái nhà, đường phố. Cây cối trụi trơ, run rẩy trước những làn gió rít lên từng đợt. Không có việc gì bắt buộc thì tuyệt nhiên bọn tôi không dám ra khỏi ký túc xá sinh viên.
Trong mấy ngày Tết của Việt Nam, mọi người vẫn đi làm, đi học bình thường, xung quanh chẳng có một chút gì là không khí Tết. Để đỡ nhớ nhà và cũng là để động viên nhau, chúng tôi cũng đã cố gắng tổ chức một buổi tối liên hoan, người hát, người ngâm thơ, trò chuyện và chúc Tết lẫn nhau. Song tất cả cũng chỉ giúp làm khuây khỏa nỗi buồn, nỗi nhớ nhà được đôi chút và trong chốc lát. Đêm ba mươi Tết, trong giá rét và ở nơi xa vợi, bao ký ức về Tết của cả một thời ấu thơ cứ thay nhau ào ạt dội về.
Cái cảnh vui mừng, hồi hộp khi được bố mẹ mua cho vài mét vải để may bộ quần áo mới, rồi lại còn phải ra sức năn nỉ với bác thợ may là người trong họ ưu ái may cho kịp để lấy vào ngày sát Tết. Cảnh ngồi chầu rìa giúp người lớn gói bánh chưng và bao giờ cũng đòi gói cho mình một vài chiếc bánh chưng con, thậm chí là bánh trưng sắn vì nhà nghèo không đủ gạo nếp nên phải độn cả sắn ruôi sợi vào để gói.
Rồi đêm hai chín hoặc ba mươi Tết, mấy anh em lại tranh nhau trải chiếu xuống đất trong nhà bếp, nằm suốt đêm thay nhau trông nồi bánh trưng sôi sùng sục, hễ thấy nước hơi vơi là lại đổ thêm vào cho bánh chín đều và cũng là để sưởi cho đỡ rét. Sáng ba mươi, thường vài nhà lại chung nhau mổ một con lợn, nên tiếng lợn kêu eng éc vang vọng khắp làng. Bọn trẻ thì xúm lại xem và chỉ quan tâm xin người lớn cái bong bóng của con lợn đem rửa sạch, đập cho nó mỏng ra và thổi căng lên để làm bóng đá cho được bền.
Cái tâm trạng háo hức mong mãi đến ngày Tết để được ăn một bữa ăn no nê và ngon lành có lẽ cứ ám ảnh và đeo đẳng những đứa trẻ quê nghèo như tôi đến suốt cuộc đời. Rồi cảnh ba cây đào trước cửa nhà nở đầy hoa, khi cánh hoa rơi xuống tạo thành một tấm thảm đỏ trải khắp sân trông đẹp đến nao lòng. Có biết bao nhiêu khung hình, bao kỷ niệm cứ lần lượt hiện lên, làm cho cái Tết đầu tiên ở tuổi mười chín phải xa gia đình, người thân, đã để lại trong tôi một chấn động về tâm lý, một nỗi buồn da diết đến khôn nguôi.
Còn năm 2000, tôi có một cái Tết khác cũng với nhiều kỷ niệm. Khi đó tôi đang làm Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan. Cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan khá đông và tập trung làm ăn sinh sống chủ yếu tại thủ đô Vác-sa-va. Để hoạt động của cộng đồng ngày càng nề nếp, có tính tổ chức và hiệu quả, Đại sứ quán đã vận động để bà con thành lập “Hội người Việt Nam - đoàn kết và hữu nghị” được chính quyền Ba Lan cho đăng ký hoạt động hợp pháp. Hội đã làm tốt việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con và hướng về quê hương đất nước.
Tờ báo “Quê Việt”, đội văn nghệ, các câu lạc bộ lần lượt ra đời, làm cho đời sống tinh thần của bà con ngày một thêm sôi động và phong phú. Còn nhớ rất rõ cái Tết đầu tiên xa nhà, buồn tủi trên đất Ba Lan thuở còn sinh viên hơn ba mươi năm về trước, nên tôi đề nghị Đại sứ quán phối hợp với “Hội người Việt Nam - đoàn kết và hữu nghị” tổ chức Tết chung cho bà con cộng đồng.
Tôi chỉ nghĩ giản đơn là không thể để trong ngày Tết, bà con quanh năm lăn lộn, làm ăn vất vả lại chỉ nhà nào biết nhà nấy, hoặc chỉ vài gia đình thân quen ngồi lại với nhau. Phải tổ chức một cái Tết chung cho tất cả mọi người. Ý tưởng này được ủng hộ nhiệt liệt. Mọi người hăng hái bắt tay ngay vào việc. Thuê và trang trí hội trường lớn, chặt cành táo to về cắt hoa dán vào để thành cành đào, tập chương trình văn nghệ đặc biệt. Việc chuẩn bị các mâm cỗ theo kiểu Việt Nam cũng thuận lợi vì các thực phẩm châu Á vào những năm này đã được nhập rất nhiều vào Ba Lan.
Vì là lần đầu tiên được tổ chức nên mọi người đều rất háo hức. Còn hơn một tiếng nữa mới khai mạc, nhưng bà con đã bắt đầu đến. Tôi cùng anh em cán bộ đứng ngay ở cửa ra vào, bắt tay chào đón từng người một. Nhìn mọi người, từ người già đến các cháu nhỏ tươi cười trong những bộ quần áo đẹp nhất dần lấp kín cả một hội trường lớn làm người ta cảm nhận được ngay một không khí vô cùng ấm áp. Đúng 6 giờ tối giờ Ba Lan, tức là đúng giao thừa ở Việt Nam, tôi vô cùng xúc động đứng lên phát biểu chúc Tết toàn thể bà con cộng đồng. Ngắn gọn nhưng ắp đầy tình cảm.
Tiếp đó sâm-panh nổ và tôi cầm ly rượi đi từng bàn chúc Tết các gia đình và bà con cô bác. Tiếng cụng ly, tiếng chúc nhau một năm mới tốt lành râm ran khắp hội trường. Được ăn những món ăn đúng kiểu Tết của Việt Nam, được thưởng thức những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của dân tộc, được chuyện trò, chia sẻ cùng nhau sau những ngày mưu sinh đầy gian nan vất vả, nên có lẽ không ai còn cảm thấy cô đơn, buồn tủi trong những giây phút thiêng liêng của ngày Tết nữa. Sau hơn hai tiếng vui chung, mọi người lại trở về nhà để tiếp tục cái Tết của riêng mình. Và tôi lại đứng sẵn ở cửa, bắt tay chào tạm biệt từng người, trong một tâm trạng nhẹ nhõm, với biết bao xúc cảm đan xen khó tả.
Còn cái Tết năm 2011, khi tôi làm Đại sứ ở Lào, lại mang một sắc thái khác. Từ nhiều năm, đã thành thông lệ vào dịp Tết Việt Nam, Đại sứ quán lại tổ chức Tết để mời các đồng chí lãnh đạo Lào, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các bạn Lào đến dự. Đại diện của bà con Việt kiều cũng được mời dự, song nhiều lắm cũng chỉ được khoảng vài chục tới một trăm người. So với vài nghìn bà con sống tại thủ đô Viêng Chăn thì con số này chẳng thấm vào đâu.
Để tạo cơ hội cho đông đảo bà con Việt kiều được gặp gỡ, chia vui, chúc Tết và ăn một bữa cơm Tết cùng nhau, tôi đã đề nghị thành Hội người Việt tại thủ đô Viêng Chăn đứng ra tổ chức một buổi liên hoan Tết chung cho mọi người. Kinh phí làm cỗ Tết được các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm nhiệt tình ủng hộ. Lãnh đạo thành Hội lại còn có thêm sáng kiến tổ chức thi nấu cỗ Tết giữa các chi hội. Tôi và một vài người bạn Lào đã từng nhiều năm sống ở Việt Nam cũng được mời vào ban giám khảo.
Nhìn hơn chục mâm cỗ được các chi hội chuẩn bị, từ số lượng các món ăn đến cách bày biện, trang trí, rồi nếm thử một số món, chúng tôi đều ngạc nhiên và khâm phục tài nấu cỗ Tết của bà con Việt kiều. Chẳng khác gì một mâm cỗ Tết ở Hà Nội. Vẫn đầy ắp mùi vị và hồn cốt của một mâm cỗ Tết. Lần đó có tới hàng nghìn người đến dự. Rất nhiều các đồng chí lãnh đạo của thủ đô Viêng- chăn, của các sở, ban, ngành cũng đến chung vui. Tôi với tư cách là Đại sứ cũng có dịp cùng lãnh đạo Tổng Hội, thành Hội chúc Tết bà con cô bác.
Cùng ngồi ăn cỗ, nghe những bài hát Việt Nam, Lào vang lên, các điệu múa của cả hai dân tộc đan xen, hòa quện vào nhau, tạo nên một không khí thật vui tươi, đầm ấm. Được đắm mình trong bầu không khí ấy, tôi thầm nghĩ Tết Việt Nam ở Lào, về một khía cạnh nào đó cũng là cái Tết chung vui, là sợi dây thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt, thắm đượm tình nghĩa Việt- Lào và cũng là một cái Tết không thể nào quên.
Sáng ba mươi, thường vài nhà lại chung nhau mổ một con lợn, nên tiếng lợn kêu eng éc vang vọng khắp làng. Bọn trẻ thì xúm lại xem và chỉ quan tâm xin người lớn cái bong bóng của con lợn đem rửa sạch, đập cho nó mỏng ra và thổi căng lên để làm bóng đá cho được bền.
Cái tâm trạng háo hức mong mãi đến ngày Tết để được ăn một bữa ăn no nê và ngon lành có lẽ cứ ám ảnh và đeo đẳng những đứa trẻ quê nghèo như tôi đến suốt cuộc đời. Rồi cảnh ba cây đào trước cửa nhà nở đầy hoa, khi cánh hoa rơi xuống tạo thành một tấm thảm đỏ trải khắp sân trông đẹp đến nao lòng. Có biết bao nhiêu khung hình, bao kỷ niệm cứ lần lượt hiện lên, làm cho cái Tết đầu tiên ở tuổi mười chín phải xa gia đình, người thân, đã để lại trong tôi một chấn động về tâm lý, một nỗi buồn da diết đến khôn nguôi.