Hành trình tìm và tôn vinh người vẽ Quốc huy Việt Nam
Năm 2022, cố họa sĩ Bùi Trang Chước (Nguyễn Văn Chước) được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, mà một tác phẩm trong hồ sơ xét giải là Quốc huy Việt Nam. Vậy là thành quả sau nhiều năm tìm tòi, giám định, và xét theo căn cứ theo quy định pháp luật, Nhà nước đã chính thức công nhận công lao của cố họa sĩ Bùi Trang Chước trong việc sáng tạo Quốc huy Việt Nam.
Hành trình gian nan
Tại chiến khu Việt Bắc, ngày 8/6/1951, Bộ Ngoại giao có văn bản 467/NG về mở cuộc thi vẽ mẫu Quốc huy. Cuộc thi thu hút đông đảo họa sĩ, kể cả sinh viên trường mỹ thuật tham gia…
Quốc huy Việt Nam được công bố ngày 14/1/1956 tại sắc lệnh số 254/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Thời điểm đó, và sau một thời gian dài đến năm 1976, Cục Văn hóa Thông tin (thuộc Bộ Văn hóa Thông tin) có in hình Quốc huy trên áp phích cổ động ghi tên tác giả là Trần Văn Cẩn. Năm 1996, họa sĩ Trần Văn Cẩn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Trong bản thống kê các tác phẩm để xét giải có tác phẩm Quốc huy Việt Nam…
Câu chuyện về tác giả Quốc huy Việt Nam được xới lên trên công luận vào ngày 9/9/2001, khi báo Nhân dân cuối tuần đăng bài “Người vẽ Quốc huy” của tác giả - họa sĩ Lê Lam. Nội dung bài báo của họa sĩ Lê Lam đặt vấn đề người vẽ Quốc huy Việt Nam là cố họa sĩ Bùi Trang Chước, còn họa sĩ Trần Văn Cẩn là đồng tác giả.
Sau khi bài báo được đăng, họa sĩ Lê Lam, họa sĩ Ngọc Linh, họa sĩ Thục Phi là các học trò của cố họa sĩ Bùi Trang Chước làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền và chức năng đề nghị xem xét xác nhận và tôn vinh họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả Quốc huy Việt Nam. Họa sĩ Phan Kế An, một lão thành cách mạng, nguyên họa sĩ báo Nhân dân, thành viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng có văn bản nhận thực họa sĩ Bùi Trang Chước là người vẽ Quốc huy còn họa sĩ Trần Văn Cẩn là người chỉnh sửa theo góp ý.
Sự việc thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan có thẩm quyền. Thân nhân của họa sĩ Bùi Trang Chước (Bà Nguyễn Thị Thục - vợ họa sĩ Bùi Trang Chước, con gái Minh Thủy, con rể họa sĩ Lê Lai…) cung cấp thêm cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia III và cơ quan chức năng 94 bản vẽ, 50 bản màu và 44 bản chì của họa sĩ Bùi Trang Chước. Từ những bản vẽ này, họa sĩ Bùi Trang Chước đã chắt lọc thành 15 mẫu Quốc huy. Các mẫu tuy đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng, tập trung về chi tiết, hình tượng như ngôi sao, bông lúa, dải lụa, bánh xe công nghiệp… 15 mẫu này đã được gửi lên Bộ Tuyên truyền để trình lên xin ý kiến. Hồ Chủ tịch đã chọn mẫu số 1 trong 15 mẫu nhưng góp ý thay hình tượng cái đe trong bản vẽ tượng trưng cho tiểu thủ công nghiệp bằng bánh xe tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở góp ý, họa sĩ Bùi Trang Chước đã chỉnh sửa. Bản sau cùng được gọi là bản số 18.
Cùng với vật chứng là các bản vẽ, gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước còn đưa ra bản viết tay có tiêu đề “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” của họa sĩ Bùi Trang Chước. Văn bản gồm 3 trang, có ký tên và đề ngày 26/4/1985. Nội dung cho biết từ năm 1953 đến 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước làm việc với ông Trịnh Xuân Côn - phụ trách bộ phận Huân chương ở Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng về mẫu Quốc huy. Qua các lần sửa, mẫu của họa sĩ Bùi Trang Chước đã được duyệt. Nhưng sau vì gấp nên Trung ương đã để cho họa sĩ Trần Văn Cẩn tập trung sửa lại hình theo góp ý cho kịp.
Để chứng minh cho việc 15 bản mẫu Quốc huy cuối cùng “ở vòng chọn cuối cùng” đều của họa sĩ Bùi Trang Chước, gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước còn cung cấp cho các cơ quan văn bản số 237/MT ngày 24/11/1954 của Ban Mỹ thuật ngành Văn nghệ trung ương thuộc Bộ Tuyên truyền (văn bản do chính họa sĩ Trần Văn Cẩn ký) gửi Bộ Tuyên truyền. Nội dung viết: “Khoảng trung tuần tháng 10/54, chúng tôi có gửi sang quý Bộ một số 15 mẫu quốc trưng để quý Bộ đưa trình Thủ tướng phủ xem và cho ý kiến quyết định. Chúng tôi chờ đợi đã lâu mà chưa có tin tức gì về việc đó. Gần đây vụ Lễ tân bên Thủ tướng phủ có cho người sang giục luôn nên chúng tôi cử họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả những mẫu ấy, sang đề nghị quý Bộ cho biết tin tức về các mẫu đã được chọn. Cũng đề nghị quý Bộ trao lại cho họa sĩ Chước những mẫu đã gửi để đem về sửa lại và hoàn thành”.
Sự tôn vinh xứng đáng
Dựa trên nhiều nguồn tài liệu, căn cứ, ngày 27/2/2004, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 42/TB-VPCP do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản ký. Văn bản được gửi tới Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Công an, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Hội Mỹ thuật Việt Nam… thông báo kết luận nội dung cuộc làm việc ngày 9/2/2004 của Thủ tướng Phan Văn Khải và các Phó Thủ tướng với Bộ Văn hóa - Thông tin, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải có ý kiến kết luận: “Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là cống hiến chung của giới Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt”.
Ngày 27/4/2004, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã khai mạc triển lãm về Bùi Trang Chước, với 1.000 tác phẩm được trưng bày. Lần đầu tiên, hàng chục mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước được công bố. Nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin, gây tiếng vang và tác động lớn. Chính vì sự kiện trưng bày này nên cuối năm 2004, phóng viên của gần 30 cơ quan báo chí, trong đó có những báo chủ lực tổ chức bình chọn như Báo Đại Đoàn Kết, Vietnamnet, Lao động, Nhân dân, Thể thao Văn hóa, Văn hóa, Sài Gòn Giải Phóng, Quân đội Nhân dân, đã bình chọn sự kiện bước đầu “Công nhận vai trò của họa sĩ Bùi Trang Chước trong sáng tác mẫu quốc huy Việt Nam” là một sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2004.
Dịp Quốc khánh năm 2020, các mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam lại được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bài báo “Người vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam” trên Báo Đại Đoàn Kết vinh dự được Ban tổ chức chọn là bài báo duy nhất được treo trong phòng trưng bày.
Với giá trị và ý nghĩa to lớn, năm 2021, tập vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Họa sĩ Bùi Trang Chước và vợ đã yên nghỉ trên quê hương Phú Thượng, Hà Nội. Cạnh đó là con phố bình lặng mang tên ông. Cuối cùng, tên tuổi và công lao của vị họa sĩ từng học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được tôn vinh. Tiếc rằng, ở những ngày vui gần Tết Quý Mão này, trong các họa sĩ – học trò xưa của danh họa Bùi Trang Chước chỉ còn họa sĩ Vi Ngọc Linh là còn sống và cùng gia đình con cháu danh họa chụp ảnh chung lưu niệm bên phố Bùi Trang Chước.