Khi người dân không còn phải… ‘lên phường’

VIỆT THẮNG 18/01/2023 07:00

Xây dựng Chính phủ điện tử không chỉ giúp nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm mà còn đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan Nhà nước và hướng tới Chính phủ không giấy tờ.

Không còn cảnh “mang tờ A4 từ chỗ này sang chỗ kia”

Trái với cảnh xếp hàng để đi làm giấy chứng nhận đăng ký sử dụng đất lần thứ nhất cách đây vài năm, giờ đây ông Trần Văn Hương, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội đã thực hiện đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các thao tác trên “máy tính”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hương cho biết, sau khi khai xong, ông nhận được kết quả sau 7 ngày đến bộ phận một cửa quận Long Biên để nhận kết quả. “Cái lợi trước tiên là không phải xếp hàng để khai như trước nữa, vừa đỡ mất thời gian. Do trường hợp của tôi là đổi giấy chứng nhận vì rách. Hồ sơ lần trước đã được cấp nên không phải đối chiếu lại nữa. Chỉ khai trên mạng và đến ngày hẹn lấy kết quả thì đến bộ phận một cửa, vào bấm số thứ tự, xếp hàng để lấy giấy”- ông Hương nói.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện tính liên thông, chia sẻ dữ liệu còn bất cập do thông tin dữ liệu “đầu vào” chưa chuẩn, các bộ ngành có tư duy mang tính chất cục bộ.

Ở góc độ doanh nghiệp, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistic, ông Trần Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết, đối với doanh nghiệp như ông thì 10% nguồn nhân lực của công ty ông đang làm những việc đơn giản là “mang tờ giấy A4 từ chỗ này sang chỗ kia”. Nếu Chính phủ số được thực thi triệt để thì công ty ông có thể tiết kiệm được 10% nguồn nhân lực vì “chạy giấy tờ”. “Việc Chính phủ số có thể giảm hàng chục triệu giờ công của toàn xã hội” - ông Nghĩa cho hay.

Là người thực hiện nhiều thủ tục dịch vụ công trực tuyến, bà Nguyễn Hồng Hạnh, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói: “Nhờ sự thay đổi này nên người dân đã được lợi từ việc tiết kiệm thời gian khi đi làm thủ tục hành chính, tránh được tiếp xúc giữa người dân và cán bộ vốn nảy sinh các “tiêu cực” không đáng có”.

25 dịch vụ công thiết yếu đã thực hiện số hóa

Theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06), 25 dịch vụ công thiết yếu phải thực hiện số hóa từ 1/7/2022 trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa để người dân không phải khai báo, cung cấp lại. Trong đó, nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân. Điển hình như việc đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi năm 2022 đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân, hay việc cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an.

Theo ghi nhận sau khi 25 dịch vụ công thiết yếu được đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia đã phần nào giảm đi cảnh người dân chen chân, “tiếp xúc trực tiếp với cán bộ”. Thay vào đó là người dân tiếp xúc với máy tính với những cú “click chuột”. Từ đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử cho đến đăng ký cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được thao tác trên mạng.

Theo thống kê từ cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến 20/12/ 2022 đã có 155.156.548 số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng dịch vụ công quốc gia; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng dịch vụ công quốc gia là 6.590. 656 hồ sơ.

Tiện lợi, tiết kiệm thời gian

Xây dựng Chính phủ điện tử góp phần thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua “trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng” là bước đi quan trọng để thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lý công việc. Ước tính tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian, cũng như nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào vận hành kết nối đến 22 bộ, cơ quan ngang bộ, giúp quản lý đồng bộ, đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, trong nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về tham gia cuộc cách mạng số, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ. Những chủ trương này đã khẳng định chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, chứ không còn là sự lựa chọn.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia nhìn nhận: “Chúng ta đang triển khai Chính phủ điện tử với một số khâu, một số điểm tích cực, đảm bảo tính tiện lợi, giảm chi phí bớt đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Về cơ bản người dân và doanh nghiệp rất hoan nghênh và đánh giá là rất tốt. Đây là phù hợp với xu thế mới, là cách để chúng ta thực hiện chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”.

Nhanh chóng đưa lên cấp độ 4

Theo phản ánh của người dân, trong 25 dịch vụ chủ yếu mới chỉ “up” hồ sơ lên như: Đăng ký tạm trú, tạm vắng. Còn người dân phải mang hồ sơ gốc cho cơ quan công an “check” lại để xem “up” đã đúng hay chưa? Do vậy một số dịch vụ cần đưa lên cấp độ 4 đó là thanh toán trực tuyến và trả, nhận kết quả tại nhà.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cho rằng, muốn triển khai nhiệm vụ này phải làm rõ được nhận thức của cán bộ, công chức tại 4 cấp để làm sao phục vụ người dân tiện lợi nhất, người dân cũng phải hiểu được sự tiện lợi được hưởng, giảm thời gian so với đến làm thủ tục hành chính trực tiếp, và độ chính xác khi thực hiện thủ tục hành chính online là rất cao.

“Muốn tạo nhận thức như vậy, cán bộ công chức phải có nhận thức đầy đủ về tinh thần phục vụ, như vậy mới có thể thành công. Cần thấm nhuần tinh thần Chính phủ phục vụ nhân dân qua các cơ quan công quyền và công cụ phục vụ nhân dân. Do đó đề nghị cán bộ, công chức mạnh dạn bỏ công việc thủ công hàng ngày sang ứng dụng công nghệ để phục vụ ngày càng tốt hơn cho xã hội, cho nhân dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số thành công tại Việt Nam”-ông Ngọc cho hay.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện tính liên thông, chia sẻ dữ liệu còn bất cập do thông tin dữ liệu “đầu vào” chưa chuẩn, các bộ ngành có tư duy mang tính chất cục bộ. Do đó, cần thúc đẩy lịch trình này hơn trong thời gian tới. Nhận thức sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp với câu chuyện này còn chưa được cao, và bản thân cơ quan quản lý cũng chưa nhận thức rõ là phải đẩy tất cả lên môi trường số, khuyến khích phổ biến cho người dân, doanh nghiệp thực hiện.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho hay, thời gian tới cần phấn đấu tiến tới cấp độ 4 để thanh toán trực tuyến và trả kết quả tại nhà. Như vậy người dân, doanh nghiệp chỉ ngồi nhà nhận kết quả. Chứ hiện nay đa phần các dịch vụ mới dừng ở cấp độ 2, cấp độ 3, chỉ có một số rất ít là đạt được cấp độ 4.

Là người cách đây 5 năm từng kiến nghị thực hiện trực tuyến dịch vụ công thiết yếu, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)-tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách, thể chế, và pháp lý về kinh tế số, công nghệ số ở Việt Nam nói: “Để dịch vụ công trực tuyến đạt được cấp độ 4 cần trang bị “danh tính số” cho người dân và liên kết phần xác thực cơ sở dữ liệu dân cư sang 25 dịch vụ công thiết yếu. Bởi có những dịch vụ công “đụng chạm” nhiều ngành. Do đó, cần thức đẩy chuyện danh tính công dân xác thực thông qua cơ sở dữ liệu dân cư để làm được “toàn trình”. Nghĩa là người dân không phải “sờ” đến giấy tờ nữa. Cho nên, cần giải quyết các vấn đề kỹ thuật để giải quyết “mấu chốt” đó.

Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thiết thực với người dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh: Việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả trước mắt và lâu dài. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt với quan điểm “chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được”. Do đó, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp cũng phải xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt Đề án. Đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Tất cả phải hướng đến mục tiêu là lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Những dịch vụ công nào nâng được lên mức độ 4, chúng ta phải thực hiện ngay, những dịch vụ nào chưa hoàn thành thì tập trung thực hiện.

VIỆT THẮNG