Thầy và trò vùng cao cùng ‘chuyển mình’ chuyển đổi số
Hướng Phùng là một xã miền núi thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Thời gian gần đây, vượt qua bao khó khăn, trở ngại, thầy và trò của nhiều trường học trên địa bàn đã có những kết quả bước đầu trong công tác chuyển đổi số ở ngành giáo dục.
Chuyển đổi số với “3 không”
Những ngày cuối năm 2022, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có dịp đến với xã Hướng Phùng - một xã miền núi huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sau cái bắt tay thân tình, ông Nguyễn Hữu Quảng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng vui mừng dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu về cơ sở vật chất của nhà trường, cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và học tập của thầy, trò nơi đây.
“Nhà trường hiện có 46 cán bộ, giáo viên; 1 điểm trường chính, 4 điểm trường lẻ; 29 lớp học và hơn 600 học sinh...”, thầy Quảng mở đầu câu chuyện.
Chia sẻ về công tác chuyển đổi số trong việc dạy và học tại nhà trường thời gian qua, thầy Nguyễn Hữu Quảng cho biết, nhà trường bắt đầu công việc này gần như từ con số không: Không giáo viên tin học, không phòng máy tính, mạng internet cũng còn rất hạn chế.
Thậm chí buổi đầu để đáp ứng yêu cầu dạy môn Tin học cho học sinh khối lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng còn khó khăn. Nhà trường đã xin được một nhà hảo tâm ủng hộ cho 20 máy tính mới. Có máy tính rồi, mới tính đến việc dạy tin học cho các em và việc thầy cô ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Đến cả giáo viên tin học chuyên trách cũng không có, cô Đặng Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A chia sẻ, ban đầu khi được phân công đảm nhận môn Tin học, cô cũng như các giáo viên khác đều hết sức lo lắng. Theo cô Thuỷ, về lâu dài, nhà trường vẫn cần giáo viên Tin học để giảng dạy cho các em học sinh.
Là người có hơn 30 năm thâm niên giảng dạy tại Trường Tiểu học Hướng Phùng, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, soạn bài giảng trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Theo cô Nga, ngày trước, các thầy cô phải soạn giáo án bằng tay hoặc bằng máy tính, in ra rồi trình tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu ký duyệt. Nay, việc ấy đơn giản hơn, giáo viên chỉ cần soạn giáo án, gửi file mềm đến gmail của trường rồi ký số, giúp mọi thứ nhanh chóng, đơn giản tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Thầy Nguyễn Hữu Quảng cho biết, trong công tác quản lý, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp nhà trường công tác nắm bắt thông tin, điều hành trở nên nhanh chóng và kịp thời hơn, bởi lẽ, hiện nay tất cả đều báo cáo bằng hình ảnh gửi qua email của trường.
Giáo viên cắm bản trên môi trường số
Chia tay thầy cô giáo Trường Tiểu học Hướng Phùng, chúng tôi đến với Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Hướng Phùng. Thầy Đinh Anh Công, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2011, Trường PTDT bán trú THCS Hướng Phùng gần như chỉ là một bãi đất trống. Đến nay, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngôi trường đã trở nên bề thế, đầy đủ phòng học, phòng chức năng, khu ký túc xá cho học sinh bán trú ở lại.
Theo thầy Đinh Anh Công, hiện nay, chuyển đổi số ở đây được hiểu là…100% hồ sơ điểm, học bạ của học sinh, báo cáo của giáo viên… đều được thực hiện qua mạng internet.
“Chúng tôi đã thành lập được một kho bài giảng điện tử trên website của nhà trường và cấp quyền truy cập cho các em học sinh; 100% phòng học, phòng chức năng, khu vực nhà ăn đã được trang bị ti vi để phục vụ dạy học và sinh hoạt của học sinh bán trú trong nhà trường”, thầy Đinh Anh Công nói.
Vượt lên trên khó khăn, vừa qua, học sinh và cán bộ, giáo viên trong trường đã viết được hai phần mềm ứng dụng thiết thực trong học tập. Cụ thể là phần mềm Tiện ích tra cứu từ điển Bru - Vân Kiều và phần mềm Ứng dụng rèn luyện tính nhẩm trên điện thoại Android. Trong đó, phần mềm Tiện ích tra cứu từ điển Bru - Vân Kiều đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị năm 2022.
“Dự định trong thời gian tới, nhà trường sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, đánh giá bữa ăn cho học sinh… Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, chúng tôi vẫn luôn tự hào khi là trường miền núi đầu tiên áp dụng bảng thông minh trong học tập từ năm 2012, là trường đầu tiên có bể dạy bơi cho các em học sinh của huyện Hướng Hóa”, thầy Đinh Anh Công tự hào.
Chúng tôi rời ngôi Trường (PTDT) bán trú THCS Hướng Phùng cũng là lúc trời đã chập choạng tối. Lúc này, hai bên đường nhiều ngôi nhà đã bật điện sáng trưng, những ánh đèn xuyên qua kẽ lá soi rọi xuống con đường. Càng về đêm, sương cũng bắt đầu phủ mỗi lúc một nặng hơn, cái lạnh giá của miền núi lúc vào đông cắt vào tận da thịt.
Suốt quãng đường trở về miền xuôi, chúng tôi hiểu rằng trong công cuộc chuyển đổi số, các thầy cô giáo ở đây mới đang ở chặng ban đầu, họ đang còn rất nhiều khó khăn vất vả.